Các chính sách hạn chế hút thuốc lá đã có tác dụng
Các chính sách để hạn chế việc hút thuốc lá và những chương trình tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc lá của cơ quan quản lý trong những năm qua cũng đã để lại tác dụng khi tỷ lệ hút thuốc giảm từ 22,5% xuống 21,7%, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 22,3% (theo nghiên cứu của Vess). Con số nhỏ đáng khích lệ ấy, dường như chưa đủ so sánh cho những tổn hại mà thuốc lá đã và đang gây ra cho xã hội.
Theo ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – WHO cảnh báo: ở Việt Nam, sử dụng thuốc lá giết chết hơn 40.000 người mỗi năm. 21% ca tử vong ở nam giới là liên quan đến thuốc lá. Tổn thất kinh tế do tác hại của thuốc lá là khoảng 24.000 tỷ đồng năm 2012, tương đương gần 1% GDP của Việt Nam.
Bộ Y tế cũng thừa nhận: Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới chưa đạt được mục tiêu đề ra là giảm xuống 37% vào năm 2020. (Năm 2020 42,3%).
Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm ở Việt Nam được cho là do giá thuốc lá vẫn rất rẻ, thậm chí đang ngày càng rẻ đi nếu so với thu nhập.
Tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở đang ở mức thấp, chỉ chiếm 38.8% (2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), thấp hơn đa số các quốc gia trong khu vực ASEAN (Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50% và các nước phát triển như: Australia 62%, Đức 75%, Pháp 80%,…), và còn cách xa khuyến cáo của WHO là 75%.
Giá thuốc lá tại Việt Nam ngày càng rẻ so với thu nhập đầu người và lạm phát, khiến cho thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua đối với người nghèo. Một bao thuốc lá thông thường chỉ khoảng 15 ngàn đồng và mức giá này hầu như không thay đổi trong 10 năm từ 2010 – 2020.
Từ thực tế nêu trên, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này theo kiến nghị của WHO là điều cần thiết.
ThS Đào Thế Sơn, cố vấn về thuế của Vital Strategies, nói: “Thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với thay đổi về giá”. Như vậy có cơ sở để hiểu rằng, nếu giá tăng, tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ giảm.
Thuốc lá điện tử – nguy cơ trở thành đại dịch đối với thanh thiếu niên?
Theo Bộ Y tế thông tin, những năm gần đây, xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng.
Theo điều tra năm 2019 của WHO, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên 3,5% ở độ tuổi 13-15 tuổi.
Học sinh là thế hệ trẻ của đất nước, đa phần đang trong quá trình phát triển thể thể chất và trí tuệ. Nếu sử dụng thuốc lá điện tử độc hại sẽ vô cùng đáng lo ngại cho sức khỏe trí tuệ của thế hệ tương lai.
Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge Canada Việt Nam, đến nay, WHO đã khẳng định chưa có bằng chứng cụ thể về việc thuốc lá điện tử ít tác hại hơn thuốc lá truyền thống. Cả 2 loại đều gây ra những căn bệnh cấp và mãn tính nguy hiểm.
“Thuốc lá điện tử cũng gây ra những bệnh về: ung thư, tim mạch, huyết áp. Nghiêm trọng hơn, là những căn bệnh cấp tính như: “hội chứng tổn thương phổi cấp Evali” (phát hiện đầu tiên năm 2019 tại Mỹ); ngoài ra, thuốc lá điện tử sử dụng pin dễ gây cháy nổ, làm chấn thương vùng hàm, mặt; và đáng chú ý nhất, sản phẩm này dễ bị pha trộn với ma túy, các chất gây nghiện cấm khác”, ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên đánh giá.
Việt Nam hiện nay chưa quyết định chính sách cụ thể về việc cấm hay tăng thuế đối với thuốc lá điện tử. Trong khi, Bộ Y tế cho rằng nên cấm! thì Bộ Công thương đề xuất quản lý (tăng thuế) giống thuốc lá truyền thống.
ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên đã chỉ ra bài học các quốc gia không ban hành lệnh cấm đối với thuốc lá điện tử đều không đạt được mục tiêu giảm sử dụng ở thanh thiếu niên. “Như ở Mỹ, chỉ trong một thời gian từ 2011 – 2019, tỉ lệ này dường như trở thành đại dịch, tăng từ 1,5 lên đến gần 30%. Đến 2019, chính phủ Mỹ buộc phải thắt chặt hơn bởi nhiều biện pháp khác”, bà Hạnh Nguyên nói.
Quả thực, nếu trở thành đại dịch cho thế hệ trẻ, sẽ là gánh nặng lớn đối với xã hội. Nhưng việc đưa ra một chính sách “cấm” cũng không hề trơn tru bởi nhẽ nguy cơ gặp rào cản đến từ ngành công nghiệp thuốc lá.
“Như Malaysia, quốc gia láng giềng với Việt Nam, đã mất gần 2 năm mới thông qua dự luật cấm hút thuốc lá đối với trẻ vị thành niên”, ThS Đào Thế Sơn, cố vấn về thuế của Vital Strategie nêu và bình luận rằng: “Ngành công nghiệp thuốc lá đã tác động đến chính sách khiến các quyết định ban hành dự luật bị trì hoãn”.
Ở Việt Nam, chưa biết các cơ quan quản lý nhà nước có phải đối mặt với những rào cản như vậy hay không? Nhưng chắc chắn việc người tiêu dùng ít sử dụng hơn những sản phẩm độc hại sẽ giúp cho quốc gia những lợi ích không hề nhỏ. Và đó là động lực để cho các nhà quản lý đưa ra những quyết sách đúng đắn, có lợi cho sức khỏe người dùng và nền kinh tế.