Indonesia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/12/1955. Đây là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Điều đặc biệt của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước là nó được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng.
Tổng Lãnh sự quán Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Indonesia. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Chuyện kể rằng trong chuyến thăm Việt Nam năm 1959, Tổng thống Sukarno đã nói: “Cả hai dân tộc chúng ta đều đã chiến đấu, chiến đấu rất nhiều, và hai nước đều đã cùng tuyên bố độc lập trong tháng 8/1945. Cả hai nước đều có lòng tin vững vàng và nhờ đó, chúng ta đứng vững. Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu”. Đáp lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng nhà lãnh đạo Indonesia hai câu thơ:
Nước xa mà lòng không xa
Thật là bầu bạn, thật là anh em
Quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Suharto vào tháng 11/1990. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Indonesia trong 31 năm và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương kể từ năm 1975 (trừ Lào và Campuchia).
Quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN. Tháng 6/2003, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia Megawati, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ XXI” và “Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa”.
Tháng 9/2011, nhân chuyến thăm chính thức Indonesia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra Thông cáo chung, tuyên bố “thúc đẩy quan hệ hướng tới đối tác chiến lược.”
Tháng 6/2013, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên ra Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Kể từ đây, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc.
Tháng 8/2017, một trang sử mới đã mở ra trong quan hệ giữa hai nước với chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Indonesia, đánh dấu quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn mới gần gũi hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn.
Tiếp đó, Tổng thống Joko Widodo đã có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2018 nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN. Chuyến thăm này đánh dấu quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới, toàn diện và sâu sắc hơn.
Những năm gần đây, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, hai nước vẫn tăng cường trao đổi và tiếp xúc ở tất cả các cấp. Gần đây, trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (tháng 12/2022), hai nước đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho rằng đây là minh chứng thuyết phục nhất cho thấy các nước hoàn toàn có thể giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đại sứ Denny Abdi khẳng định việc hoàn tất các thủ tục về thỏa thuận này giúp hai nước mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thủy sản, hợp tác nghề cá…, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Ngoài ra, hai nước cũng ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2023 (tháng 9/2018). Hai bên đang sớm hoàn tất chương trình hành động giai đoạn 2024-2028 để ký kết trong thời gian sớm nhất.
Các cơ chế hợp tác như Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao đã tổ chức được 4 kỳ họp, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật đã tổ chức được 7 kỳ.
Không chỉ ở cấp trung ương, các địa phương hai nước cũng đang tích cực tăng cường quan hệ hợp tác. Hiện nay, hai nước có 4 cặp tỉnh/thành phố kết nghĩa gồm: Jakarta-Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu-Padang, Huế-Yogyakarta, Sóc Trăng-Lampung.
Trên các diễn đàn đa phương, hai nước luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng quan điểm trên nhiều vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, gắn với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực./.
Việt Thắng