Việt Nam có một nền văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là nguồn lực to lớn để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn. Thực tế cho thấy du lịch văn hóa đang trở thành là một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng của đất nước.
Nghi thức thả cá chép đón Xuân ở Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN
Ngành kinh tế dịch vụ quan trọng
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đã xác định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”, đồng thời chủ trương đưa “du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu”.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu “ngành du lịch văn hóa chiếm từ 10-15% trong tổng số khoảng 18.000-19.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch”.
Triển khai chiến lược trên, theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh, những năm qua, nước ta đã làm tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngành du lịch đã phát triển sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên khai thác giá trị tự nhiên vốn có của các di sản như tham quan di sản, di tích; tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng, du lịch lễ hội, ẩm thực, tâm linh…
Kết quả là nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các nghệ thuật biểu diễn truyền thống, đã được khôi phục và phát triển, góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Chẳng hạn như “Đêm phố cổ Hội An” đã phục dựng nguyên bản đời sống của người dân Hội An những năm đầu thế kỷ XX cùng với các hoạt động văn hóa đa dạng, đầy màu sắc như hát bội, cờ làng, thư pháp, trò chơi bài chòi, bịt mắt đập niêu, cờ tướng… Sản phẩm du lịch đặc sắc, mang dấu ấn riêng của Hội An đã mang lại cho du khách trong và ngoài nước những trải nghiệm rất thú vị. Đây chính là một trong những nhân tố quan trọng góp phần mang lại thành công của ngành du lịch Hội An trong những năm gần đây.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong việc phát triển “ngành công nghiệp không khói”, nhiều địa phương đã đưa ra các chiến lược, kế hoạch cụ thể nhằm phát huy giá trị của các di sản này.
Chẳng hạn, sau khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, tỉnh Ninh Bình đã đặt ra chiến lược rõ ràng để phát huy giá trị di sản phục vụ cho việc phát triển du lịch bền vững. Kết quả là năm 2022, tỉnh đã đón hơn 3,7 triệu lượt khách tham quan, trong đó 1/3 là khách quốc tế. Gần đây, Ninh Bình còn lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới.
Hiện nay, các sản phẩm du lịch văn hóa đang góp phần nâng cao thương hiệu du lịch của Việt Nam trên toàn cầu. Tại Giải thưởng Du lịch Thế giới 2022 (World Travel Awards 2022), Việt Nam được vinh danh là “điểm đến di sản hàng đầu thế giới”. Đây là lần thứ 3 Việt Nam được nhận giải thưởng này (hai lần trước vào năm 2019 và 2020). Thành phố Hội An (Quảng Nam) lần thứ ba được vinh danh ở hạng mục “điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á”…
Để du lịch Việt Nam “cất cánh”
Có thể nói, du lịch văn hóa đang trở thành loại hình du lịch có sức hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh bền vững. Đây cũng là nhân tố giúp nâng tầm thương hiệu, tạo ra sự khác biệt và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật “Hải Phòng chào năm mới 2023”. Ảnh: Hoàng Ngọc – TTXVN
Tuy nhiên, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, việc phát triển du lịch văn hóa vẫn đang gặp không ít thách thức, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa và du lịch văn hóa vẫn chưa hoàn thiện; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế; nhân lực cho du lịch văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu…
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là việc thiếu nguồn lực tài chính và nhận thức của người dân còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh ngành du lịch cần xây dựng chính sách đồng bộ để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng.
Mặt khác, theo các chuyên gia, để du lịch Việt Nam có thể “cất cánh” trên nền tảng văn hóa, từng vùng, địa phương cần định hình và xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên tiềm năng, giá trị văn hóa vốn có, đồng thời thúc đẩy quảng bá du lịch văn hóa thông qua các sự kiện văn hóa du lịch tổng hợp âm nhạc, điện ảnh, ẩm thực, lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam ở quốc tế; thiết kế và xây dựng được các sản phẩm du lịch văn hóa sáng tạo, độc đáo và đa dạng.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng và quảng bá sản phẩm; xúc tiến, quảng bá các thị trường cho từng loại sản phẩm du lịch văn hóa để đẩy mạnh hình ảnh, định vị của thương hiệu du lịch văn hóa của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Có thể nói, phát triển du lịch văn hóa là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam cũng như xu thế chung của nhân loại. Điều này không chỉ nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch nước ta còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, nguyên bản, đem lại sinh kế bền vững cho cộng đồng./.
Kim Khuyên