Phát biểu khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thông tin về việc sửa Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng.
Chiều 8-1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 29 để cho ý kiến với nhiều nội dung quan trọng.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết nội dung trọng tâm phiên họp là cho ý kiến với việc chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 15-1.
3 vấn đề cần cho ý kiến tại dự án Luật Đất đai sửa đổi
Về các nội dung cụ thể của phiên họp trong 1,5 ngày, ông Huệ nói phiên họp sẽ cho ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ông nêu rõ đây là dự án luật hết sức quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trước mắt và lâu dài.
Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu và xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học nhiều vòng, nhiều lần, đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân với trên 12 triệu lượt ý kiến tham gia.
“Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp. Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến nhiều lần và 5 lần có ý kiến chính thức qua các thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chưa kể, rất nhiều lần Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã làm việc với các cơ quan. Đồng thời, 3 cuộc họp của đại biểu chuyên trách cũng đã cho ý kiến về dự luật này.
Cho đến nay cơ bản dự án luật đã hoàn thiện và thể chế hóa, bao quát được nghị quyết 18 của Trung ương, bám sát Hiến pháp, cương lĩnh của Đảng, pháp luật hiện hành”, ông Huệ nói.
Theo ông Huệ, đáng lẽ dự luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6, nhưng để xem xét kỹ lưỡng hơn ở một số nội dung lớn, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội cân nhắc, xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Với hồ sơ, ông Huệ nói đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và đến nay còn một số vấn đề, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thêm.
Cụ thể là thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ; phương pháp định giá đất, thẩm quyền, trách nhiệm quyết định định giá đất; dự án tạo quỹ đất, quỹ phát triển đất…
Ông đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường.
2 nội dung chính tập trung cho ý kiến ở Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là dự án quan trọng, có tính chuyên môn cao nhưng tác động sâu rộng đến nhiều đối tượng, trực tiếp là đến chính sách tài chính tiền tệ, kinh tế vĩ mô, an toàn an ninh hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia.
Ông nói Quốc hội đã cho ý kiến tại 2 kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến nhiều lần, có chỉ đạo cụ thể.
Để đảm bảo luật thông qua có chất lượng tốt nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng trong thời gian tới, ông đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện thêm một số vấn đề.
Trong đó, tập trung vào 2 nội dung chính là can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, đề nghị cần rà soát quy định như quản lý tập đoàn tài chính, giải quyết sở hữu chéo, các quy định chuyển tiếp, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm…
Ông chỉ rõ nội dung này tương đối gấp và Chính phủ dù rất tích cực nhưng “hôm qua, hôm kia mới có văn bản trình chính thức”.
Do thời gian còn lại ngắn nên ông đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin thêm tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự về đại biểu Quốc hội theo thẩm quyền, quy định pháp luật.
Tuoitre.vn