Tham dự đối thoại có Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương WEF Joo-Ok Lee cùng khoảng 60 lãnh đạo tập đoàn toàn cầu là thành viên WEF. Đây là một trong 8 hoạt động đối thoại quốc gia được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos lần thứ 54, nhằm giới thiệu về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và các chính sách cụ thể Chính phủ sẽ triển khai trong thời gian tới để tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Tại đối thoại, các đối tác quan tâm tìm hiểu chính sách của Việt Nam trong các lĩnh vực mới nổi như: chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, khai thác đất hiếm, phát triển ngành bán dẫn, thị trường tín chỉ carbon, triển khai Quy hoạch điện VIII…
4 nhóm giải pháp
Phát biểu tại đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là xu thế khách quan và tất yếu của thế giới ngày nay; nếu vẫn giữ tư duy cũ, chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống khó có thể phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để thúc đẩy chuyển đổi, kiến tạo, mở ra các động lực tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thứ hai, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi, gồm chuyển đổi về kinh tế, làm mới những động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; chuyển đổi về cơ chế, chính sách, xây dựng hạ tầng chiến lược cho chuyển đổi; chuyển đổi nguồn nhân lực.
Cùng với đó, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; kiên trì chính sách quốc phòng “4 không”; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; xây dựng kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, không ngừng nâng cao nội lực và khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Chia sẻ với WEF và các doanh nghiệp về những lợi thế của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị WEF và các thành viên tiếp tục hợp tác với Việt Nam; kêu gọi các nhà đầu tư cùng đồng hành với Việt Nam tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ cao, trong đó có công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; khẳng định Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác cùng các nhà đầu tư trên tinh thần cùng thắng, cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin với Việt Nam
Đồng tình với những ý kiến phát biểu của Thủ tướng, lãnh đạo WEF và đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao thành tựu phục hồi, phát triển, tăng trưởng quy mô kinh tế, quy mô thương mại, cũng như quyết tâm chuyển đổi và triển vọng kinh tế Việt Nam; đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.
WEF nhận định Việt Nam là một trong những nước được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhất tại hội nghị lần này. Chủ đề của đối thoại quốc gia được lựa chọn với niềm tin Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực theo hướng bền vững hơn, đóng góp và có vai trò ngày càng quan trọng với kinh tế toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp khẳng định hài lòng với các dự án đầu tư tại Việt Nam; ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam có các chính sách, biện pháp quyết liệt để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cũng như luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp WEF cho rằng Việt Nam là một trong những lựa chọn phù hợp nhất, là điểm đến đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài. Lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu mong muốn tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển, chuyển đổi.