Trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, cho biết hôm nay, 17.1 đoàn kiểm tra liên ngành đã đến Trường tiểu học Nguyễn Hiền – nơi có hàng chục học sinh nghỉ học, trong đó có 24 học sinh nghỉ học do đau bụng, sốt. Đoàn kiểm tra gồm có đại diện HCDC, Công an TP.Thủ Đức, Phòng Y tế, Phòng GD-ĐT, Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức, Quản lý thị trường TP.Thủ Đức.
Theo ông Nguyên, đoàn kiểm tra đã kiểm tra hồ sơ và quy trình sơ chế tại bếp ăn, căn tin trường và nắm tình hình học sinh. Qua kiểm tra, cơ sở thực hiện vệ sinh đảm bảo, nhân viên thực hiện sơ chế biến có bảo hộ lao động, thực hiện cập nhật sổ 3 bước và lưu mẫu theo quy định.
“Tại thời điểm lúc 9 giờ 30 ngày 17.1, có 10 học sinh trong danh sách 24 học sinh bị sốt, đau bụng đã đi học. 14 học sinh còn lại sức khỏe đã ổn định nhưng cha mẹ học sinh chưa cho đến trường (với lý do muốn cho bé có sức khỏe tốt hơn). Hiện nhà trường chưa tiếp nhận thông tin từ trường hợp khác”, ông Nguyên cho biết.
Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức cũng có báo cáo nhanh liên quan vụ nhiều học sinh đau bụng, nghỉ học. Cụ thể, trong ngày 16.1, có 70 học sinh nghỉ học với nhiều lý do khác nhau. Trong đó có 24 em học sinh vắng vì sốt, đau bụng, tiêu chảy…
Hiện tình trạng sức khỏe của các em đã ổn định, không có em nào phải nhập viện điều trị. Bình thường, mỗi ngày tại Trường tiểu học Nguyễn Hiền đều có số học sinh vắng, dao động từ khoảng 40-60 học sinh vắng/ngày, rải rác ở tất cả 35 lớp học của trường.
Trước đó, trưa 16.1, ngay khi tiếp nhận thông tin từ phía phụ huynh cho rằng có nhiều học sinh nghỉ học vì đau bụng, sốt, một đoàn kiểm tra đã tới trường với đại diện từ Phòng GD-ĐT, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Công an TP.Thủ Đức, UBND P. An Phú… Đại diện cha mẹ học sinh cùng đoàn đã kiểm tra quy trình bếp, quy trình chế biến của đơn vị cung cấp suất ăn; ghi nhận công tác tổ chức bữa ăn bán trú đúng hướng dẫn ngành y tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, một cán bộ chuyên môn tại TP.Thủ Đức cho biết đây không phải là ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa trưa bán trú tại trường hôm 15.1. Cán bộ chuyên môn này phân tích: “Hơn 1.400 em ăn bán trú nhưng chỉ có 24 em nghỉ học sáng 16.1 vì đau bụng, sốt… Số em này nằm rải rác ở mỗi lớp, chứ không tập trung nhiều ở lớp nào. Có một số em bị sốt, đau bụng… nhưng lại không nằm trong số đã dùng bữa trưa tại trường hôm 15.1. Còn lại, các em khác cũng ăn cơm bán trú ở trường nhưng sức khỏe hoàn toàn bình thường”.
Bữa ăn bán trú cần tạo được niềm tin
Sau vụ việc 24 học sinh đau bụng, sốt nghỉ học ở Trường tiểu học Nguyễn Hiền, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức chỉ đạo hiệu trưởng các trường cần tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn, cơ sở sản xuất – nơi chế biến thức ăn đối với các đơn vị sử dụng suất ăn được chở tới, để đảm bảo tốt an toàn thực phẩm và đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh.
“Các trường phải tạo điều kiện để phụ huynh được tham gia vào việc kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và tạo niềm tin cho cha mẹ học sinh. Hiệu trưởng phải kịp thời giải quyết ngay những vấn đề phát sinh với yêu cầu đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết, tuyệt đối không để xảy ra những phản ứng và dư luận không hay trong cha mẹ học sinh”, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên nhấn mạnh.
Đồng thời, Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức đề nghị hiệu trưởng các trường phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyền truyền không để hàng rong buôn bán trước cổng trường. Cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, ngành y tế báo cáo diễn biến tiếp theo của sự việc về UBND TP.Thủ Đức, Sở GD-ĐT TP.HCM, phối hợp với an ninh TP.Thủ Đức trong công tác đảm bảo trật tự tại trường…