Tại Campuchia hiện có 11 điểm trường và 11 điểm lớp học dành cho con em người gốc Việt. Ở những cơ sở giáo dục này, các em được học chương trình từ lớp 1 đến lớp 5 bằng hai ngôn ngữ Việt và Khmer. Sau khi học hết chương trình, nhiều em được chính quyền địa phương tạo điều kiện vào học tiếp tại các trường công lập.
Theo cô giáo Thạch Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer – Việt Nam Tân Tiến (Phnom Penh, Campuchia), việc học tiếng Việt và tiếng Khmer đều quan trọng. Nếu học giỏi cả hai ngôn ngữ, các em sẽ hòa nhập được với xã hội Campuchia, đồng thời giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và có cơ hội được làm việc ở những doanh nghiệp lớn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Đoàn công tác thăm lớp học trên Biển Hồ ở làng nổi Kbal Tao, tỉnh Battambang (Campuchia). (Ảnh: Sơn Hải) |
Để giúp đỡ đồng bào, nhiều tỉnh, thành phố và cơ sở giáo dục ở Việt Nam đã hỗ trợ học bổng cho học sinh gốc Việt tiếp tục học lên đại học. Theo Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia, đến nay đã có hơn 250 em được nhận học bổng tại Việt Nam, trong đó một số đã học xong thạc sĩ. Nhiều em sau tốt nghiệp, trở về Campuchia đã được các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư tại địa bàn nhận vào làm việc.
Chính quyền Campuchia cũng tạo điều kiện để bà con gốc Việt sinh sống ổn định, hợp pháp. Ngày 29/8/2022, Bộ Nội vụ Campuchia ra thông báo 2181 để công nhận giá trị của thẻ thường trú cho người nước ngoài tại Campuchia, trong đó có cộng đồng người gốc Việt sống tại Campuchia. Bộ Nội vụ Campuchia đề nghị các bộ, cơ quan liên quan, các cơ quan hành chính địa phương và khu vực tư nhân chấp nhận thẻ thường trú dành cho nước ngoài tại Campuchia là giấy tờ pháp lý phục vụ nhu cầu sử dụng hằng ngày. Đây là thông báo quan trọng đối với cộng đồng gốc Việt tại Campuchia, tạo điều kiện cho cộng đồng gốc Việt có địa vị pháp lý vững chắc hơn khi sinh sống tại nước sở tại.
Kịp thời hỗ trợ bà con tháo gỡ vướng mắc, ổn định cuộc sống
Theo báo cáo của Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia, cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia hiện có khoảng hơn 103.000 người, là cộng đồng có lịch sử hình thành lâu đời. Trong các cuộc trao đổi cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, vấn đề hỗ trợ người gốc Việt tại Campuchia đều được đề cập. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đề nghị chính quyền Campuchia hỗ trợ hơn nữa, nhất là công tác di dời tái định cư có lộ trình đầy đủ, phù hợp và có điều kiện bảo đảm cuộc sống bà con sau khi di dời, gắn liền giữa di dời với chuyển đổi nghề nghiệp để bà con có cuộc sống ổn định, sinh kế lâu dài.
Đại diện bà con gốc Việt ở Campuchia tại cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hồi tháng 11/2022. (Ảnh: Doãn Tấn) |
Tháng 11/2022, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ: Thủ tướng Campuchia rất ủng hộ sáng kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản trên cạn và đề xuất doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên cạn. Dự kiến những dự án này sẽ tạo thêm sinh kế, công ăn việc làm cho bà con.
Ông cho rằng cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ vưỡng mắc trong giải quyết giấy tờ pháp lý để đẩy nhanh việc nhập quốc tịch cho những người dân có đủ điều kiện. Thủ tướng Campuchia trong hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng cho biết cứ có 7 năm sống làm việc liên tục ở Campuchia là có quyền được nhập quốc tịch. Năm 2022, Campuchia đã nhập quốc tịch cho khoảng 100 người, trong đó có công dân Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan của Đại sứ quán cần tìm hiểu rõ các quy định của bạn, hỗ trợ bà con về thủ tục, pháp lý, đảm bảo thủ tục pháp lý và ổn định cuộc sống tại Campuchia.
Trong chuyến công tác tại Campuchia từ ngày 30/11 đến 3/12/2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn phía Campuchia, đặc biệt chính quyền địa phương các cấp, thông qua Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia và phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền người gốc Việt tuân thủ luật pháp, chủ trương, chính sách của Campuchia, đặc biệt các nội dung liên quan đến việc đăng ký, gia hạn thẻ ngoại kiều, chính sách di dời người dân ra khỏi khu vực sông nước.