Minh Tuấn vượt qua hơn 350 ứng viên trên thế giới để giành suất học bổng toàn phần duy nhất năm 2023 của Đại học Công nghệ Sydney (UTS).
Phạm Nguyễn Minh Tuấn, 19 tuổi, trúng tuyển ngành Khoa học Y khoa tại UTS vào cuối tháng 11 năm ngoái. Đây là ngôi trường trong top 90 thế giới, theo xếp hạng năm 2024 của QS.
“Em vừa bất ngờ vừa choáng váng. Em đã hét lên giữa quán cafe khi nhận được email thông báo”, Tuấn nhớ lại. Học bổng của Tuấn gồm toàn bộ học phí và chi phí học tập.
Theo bà Lù Thị Hồng Nhâm, Giám đốc Công ty Du học Đức Anh, suất học bổng 100% này “vô cùng quý hiếm, rất khó để giành được” do mỗi năm UTS chỉ có một suất trên toàn cầu và lần gần nhất có học sinh ở Việt Nam đạt được là năm 2020.
Tuấn vốn là học sinh chuyên Hóa, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2022, khi học lớp 11, Tuấn tham gia và giành huy chương vàng Olympic Hóa học quốc tế (ICho).
Vì ban đầu không định du học nên nam sinh không đầu tư học chứng chỉ IELTS hay SAT (bài thi chuẩn hóa dùng xét tuyển đại học ở nhiều nước trên thế giới). Mãi đến năm lớp 12, Tuấn mới quyết định du học Australia và chuẩn bị hồ sơ cho kỳ ứng tuyển tháng 10/2023.
“Em quyết muộn nên hơi vội và phải tự thúc ép bản thân học”, Tuấn chia sẻ.
Tuấn nói có nền tảng tiếng Anh khi hai năm lớp 10 và 11 phải đọc tài liệu chuyên ngành nhưng vẫn gặp khó khăn khi ôn bài thi chuẩn hóa. Tháng 2/2023, nam sinh bắt đầu học tiếng Anh ba buổi/tuần cùng gia sư và tham gia khóa SAT ở trung tâm.
Với IELTS, nam sinh tự tin với phần Nghe và Đọc, chủ yếu học hai kỹ năng Nói và Viết. Em được thầy dạy về cấu trúc, dàn ý đơn giản nhất của một bài viết, các dạng bài phổ biến trong IELTS Writing. Ở kỹ năng Nói, Tuấn học theo chủ đề và ý chính cần nhớ. Sau 4 tháng, Tuấn thi IELTS, đạt 7.5.
Bài thi SAT gồm hai phần Toán và Đọc-Viết. Tuấn ôn Toán nhẹ nhàng, chỉ học thêm các từ tiếng Anh chuyên sâu ở môn học này. Trong khi đó, phần Đọc – Viết khiến nam sinh mất nhiều thời gian ôn luyện vì từ vựng chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, khoa học… Ngoài ra, vì bài thi SAT đổi format mới nên em phải tìm thêm đề trên mạng để làm.
“Phương pháp duy nhất là cày đề để quen với cách ra đề và học nhiều từ vựng”, Tuấn nói, cho biết đạt mức điểm mong muốn ở lần thi thứ ba sau 7 tháng ôn tập. Em nộp hồ sơ vào ba trường gồm UTS, Đại học Monash, Đại học Melbourne.
Theo ông Nguyễn Nhựt Hưng, Quản lý tuyển sinh Việt Nam của UTS, các đại học Australia đặt nặng yếu tố học thuật, vì thế, để qua được vòng sơ tuyển, hồ sơ của ứng viên cần có thành tích xuất sắc. Ngoài điểm trung bình học tập (GPA) 9,9/10, SAT 1570/1600, IELTS 7.5, Tuấn còn nổi bật với huy chương vàng IChO.
Sau khi vào được vòng hai, hội đồng xét duyệt sẽ đánh giá chất lượng hồ sơ dựa trên bài giới thiệu khoảng 500 từ của ứng viên. Bài viết này thể hiện động lực, lý do chọn ngành, nghề và hành động để hướng đến mục tiêu của thí sinh. Mỗi giám khảo đánh giá theo tiêu chí riêng, thang điểm từ 1 đến 5.
“Hồ sơ của em ấy có sự hài hòa giữa hoạt động ngoại khóa và học thuật, được đánh giá cao hơn các ứng viên khác”, ông Hưng nói, cho biết Tuấn được chọn trong hơn 350 hồ sơ xin học bổng toàn phần.
Tuấn cho hay hai trong ba trường ứng tuyển yêu cầu viết bài luận, chủ đề đều là chia sẻ những việc đã làm ở cấp 3 và ý nghĩa của chúng với bản thân. Bài viết giới hạn số từ nên Tuấn chọn nói ngắn gọn về học tập và ngoại khóa.
Tuấn kể trải nghiệm ôn luyện đội tuyển, giành huy chương IChO đã giúp em có nền tảng kiến thức vững vàng để học tập tốt chuyên ngành Khoa học Y khoa ở trường. Khi tham gia các hoạt động từ thiện, đi phát cháo, phát thuốc ở bệnh viện, hiểu thêm về cuộc sống của bệnh nhân và bác sĩ, em có động lực theo đuổi nghề nghiên cứu chữa bệnh. Tuấn cũng ấn tượng với chương trình đào tạo của UTS vì có những môn học phù hợp với định hướng trở thành một nhà nghiên cứu của em.
“Em sắp xếp hai hoạt động này theo trình tự, móc nối để tạo ra sự liên kết, sau đó đưa ra một kết bài liên quan đến trường”, Tuấn chia sẻ.
Trong lúc đợi kết quả, Tuấn đăng ký xét tuyển thẳng vào Đại học Y Hà Nội và học được một kỳ tại đây. Tuấn cũng dự tính nếu không thành công ở Australia, em sẽ nộp thêm hai trường của Singapore là Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang vào kỳ tuyển sinh tháng 7 năm nay. Các trường của Singapore tuyển thẳng học sinh có giải quốc tế nên Tuấn gần như chắc suất.
Giành kết quả vượt mong đợi nhưng Tuấn vẫn tiếc nuối vì đã không có sự chuẩn bị từ sớm. Em khuyên những bạn có dự định du học lên chiến lược sớm để có thời gian trau chuốt từng phần trong hồ sơ. Trong quá trình chuẩn bị, hãy tập trung vào mục tiêu của bản thân để không bị áp lực đồng trang lứa.
“Hãy xây dựng hồ sơ có định hướng. Biết mình muốn gì thì phải điều chỉnh mọi thứ trong hồ sơ theo trường mong muốn”, Tuấn nói.
Tuần tới, Tuấn lên đường sang Australia nhập học. Nhờ đã học trước một số môn tương đồng ở Đại học Y Hà Nội, Tuấn tự tin sớm hòa nhập với môi trường mới. Em cũng cho rằng sẽ quen cách giảng dạy ở đại học vì từng được các giảng viên hướng dẫn trong thời gian ôn tập ở đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế.
Bình Minh