Chụp X-quang thực quản với thuốc cản quang, chụp CT, siêu âm qua ngả nội soi, nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng giúp chẩn đoán các bệnh thực quản thường gặp.
Thực quản là một phần quan trọng của hệ thống tiêu hóa, thực hiện chức năng nuốt, vận chuyển thức ăn xuống dạ dày và ngăn dịch vị trào ngược. Một số bệnh thường xảy ra ở thực quản như trào ngược dạ dày thực quản, co thắt tâm vị, viêm thực quản, barrett thực quản, ung thư thực quản.
TS.BS Phạm Hữu Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hiện nay có nhiều công cụ giúp chẩn đoán chính xác các bệnh thực quản, được chia thành hai nhóm là nhóm cận lâm sàng khảo sát hình ảnh và nhóm đánh giá chức năng.
Nhóm cận lâm sàng khảo sát hình ảnh gồm:
Chụp X-quang thực quản với thuốc cản quang giúp khảo sát hình thái thực quản. Người bệnh nuốt một loại chất lỏng có chứa chất cản quang (thường là barium). Đặc điểm bắt màu cản quang sáng trên phim làm nổi bật hình ảnh của thực quản, bao gồm đường bờ lót bên trong cũng như những thay đổi về hình dạng của thực quản trong cử động nuốt.
Chụp CT ngực – bụng hỗ trợ phát hiện những thay đổi ở thành thực quản, tổn thương tại chỗ, mối tương quan với các cấu trúc lân cận và đánh giá di căn xa – điều mà các phương pháp khác chưa thể hiện được, theo bác sĩ Tùng.
Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng là thủ thuật đưa ống soi mềm có gắn camera dẫn truyền hình ảnh để khảo sát thực quản, dạ dày và tá tràng. Theo bác sĩ Tùng, phương pháp này được đánh giá cao về độ an toàn, đồng thời mang đến hiệu quả tối ưu trong việc phát hiện, nhận định các tổn thương của đường tiêu hóa trên.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể sinh thiết tổn thương nghi ngờ để xác định bản chất bệnh lý hoặc sử dụng một số dụng cụ đặc biệt để cắt polyp, cầm máu, lấy dị vật trong ống tiêu hóa, nong phần bị hẹp, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản… Đây là phương pháp vừa hỗ trợ nội soi vừa góp phần can thiệp, điều trị các bệnh tiêu hóa.
Siêu âm qua ngả nội soi được thực hiện với máy nội soi tiêu hóa có tích hợp đầu dò siêu âm, giúp tiếp cận tổn thương từ bên trong lòng thực quản. Nhờ siêu âm qua ngả nội soi, bác sĩ xác định và phân biệt mạch máu, nguồn gốc tổn thương, đánh giá cấu trúc, kích thước, mức độ xâm lấn, giai đoạn phát triển của khối u… của người bệnh.
Với nhóm cận lâm sàng đánh giá chức năng, các phương pháp cụ thể bao gồm:
Đo pH trở kháng thực quản 24 giờ được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán, phát hiện bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Dựa vào các dữ liệu từ máy đo pH, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị bổ trợ hiệu quả. Trong quá trình đo, người bệnh vẫn có thể ăn uống và sinh hoạt như bình thường.
Đo áp lực thực quản độ phân giải cao là công cụ hỗ trợ chẩn đoán các dạng rối loạn nhu động thực quản. Phương pháp này có thể đánh giá áp lực cơ thắt thực quản trên và dưới, hình thái vùng nối dạ dày – thực quản, cũng như các dạng rối loạn nhu động thực quản chính xác.
Theo bác sĩ Tùng, dựa vào chẩn đoán loại, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Một số tình trạng nhẹ có thể được kiểm soát bằng điều trị nội khoa kết hợp thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng. Trường hợp nghiêm trong hơn cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tương ứng.
Mỗi phương pháp chẩn đoán bệnh thực quản đều có những yêu cầu riêng. Bác sĩ Tùng khuyến cáo người bệnh cần tuân theo hướng dẫn về chế độ ăn uống, sinh hoạt trước khi chẩn đoán để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |