Đồng Nai thuộc vùng động lực phía Nam dẫn đầu cả nước và hàng đầu khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉnh có diện tích rộng, địa hình cao tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hoà, có nguồn nước ổn định, rất ít khi chịu ảnh hưởng của bão lụt và thiện tai.
Đây là cơ hội và tiềm năng sẵn có để tỉnh bố trí không gian phát triển kinh tế – xã hội mang tính ổn định và bền vững. Đồng Nai có nhiều cụm công nghiệp làng nghề truyền thống và hơn 33 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập đi vào hoạt động ổn định.
Ngoài ra, Đồng Nai còn đang phát triển nhanh các dự án nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học, các dịch vụ tài chính ngân hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, siêu thị, sân golf… đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư.
Phát biểu tại phiên họp hôm nay, ông Trần Quốc Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian qua chưa có bước bứt phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa thực sự bền vững. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tuy có tập trung đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai lần này cần phải xây dựng một mô hình tổ chức không gian phát triển hiệu quả và có tính kết nối. Khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có để khơi dậy những động lực tăng trưởng mới cho tỉnh Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Các thành viên Hội đồng cần cho ý kiến về nội dung, kết quả đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh và dự thảo Báo cáo thẩm định của Hội đồng”.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai, hiện dự thảo Quy hoạch tỉnh đã được hoàn thiện trình Hội đồng thẩm định. Xuyên suốt quá trình chỉ đạo lập quy hoạch, tỉnh Đồng Nai xác định lấy người dân làm trung tâm, phát triển có chọn lọc, thu hút các ngành công nghệ cao, hướng đến mục tiêu phát thải trung tính “Net-Zero” vào năm 2050.
Đồng thời, tỉnh xác định những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả như Quy hoạch tuyến sông Đồng Nai, quy hoạch vùng phụ cận sân bay Biên Hòa và sân bay Long Thành là vùng động lực mới cho phát triển đột phá của tỉnh.