Hải Yến (Bắc Ninh) nói cô đặt 3 bộ quần áo cho con mặc Tết cách đây 6 ngày của một cửa hàng ở Hà Nội nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được hàng. Người bán thông tin đã nhiều lần gửi yêu cầu giao hàng gấp tới đơn vị vận chuyển nhưng không được phản hồi. Hiện tại, đơn hàng vẫn ở khu trung chuyển. Khách muốn lấy ra không được, shop muốn hoàn lại không xong.
“Không chắc sẽ nhận được đồ kịp cho con mặc Tết. Còn chục ngày nữa mới Tết mà đã quá khổ với vận chuyển”, Yến than thở.
Dung Nguyễn – chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em ở Hà Nội – nói đã bị Viettel Post từ chối nhận hàng tại nhà. Đơn vị này giải thích những ngày giáp Tết, lượng hàng lớn, người bán chủ động đến gửi hàng trực tiếp tại bưu cục.
Tuy nhiên, trên ứng dụng giao hàng, phía đơn vị vận chuyển tự động điền mục “Lấy hàng không thành công” với lý do “Người bán chưa chuẩn bị xong hàng” và không hề gọi lại cho người bán.
Khi gọi điện tới bưu cục giao nhận để thắc mắc, Dung Nguyễn nhận được câu trả lời: “Anh chị thông cảm, gửi hàng trực tiếp giúp vì những ngày này bên em quá tải”.
Ngoài ra, nhân viên tư vấn nói thêm những ngày cận Tết, người bán nên gửi hàng dưới hình thức chuyển phát nhanh (thay vì chuyển phát thường) để đảm bảo hàng đến tay khách trước Tết Nguyên đán.
Còn nếu chọn gửi thường để được mức phí rẻ, nhân viên chăm sóc khách hàng cho biết họ không cam kết hàng sẽ đến tay người nhận trước Tết. Với cả hai cách, đơn vị đều không trả lời chính xác thời gian giao hàng. Họ chỉ lấy mốc “Tết” làm cách đo lường thời gian.
Với gói hàng nặng khoảng 10kg, kích thước 50cm x 40cm x 40cm, nếu muốn gửi vận chuyển nhanh Hà Nội vào TPHCM, Dung Nguyễn phải trả phí khoảng 260.000 đồng. Mức phí cho chuyển phát thường là 130.000 đồng. Mức giá này, theo chị, là quá cao. Nếu người bán không hỗ trợ, khách hàng sẽ không nhận hàng.
“Nếu bỏ tiền túi ra trả ship thì hết lãi. Báo khách 260.000 đồng tiền vận chuyển thì khách sẽ không mua, kiểu gì cũng không được”, Dung nói.
Cũng với đơn hàng có kích thước tương tự, nếu chọn gửi qua đơn vị Giao hàng Tiết kiệm, mức phí là 148.000 đồng. Với lựa chọn này, người bán hàng cần trực tiếp đem hàng tới bưu cục để gửi, thay vì được nhân viên giao hàng tới lấy hàng tận nơi như trước.
Mức giá trên của Giao hàng Tiết kiệm tương đồng với mức phí của đơn vị vận chuyển Giao hàng Nhanh. Tuy vậy, những ngày giáp Tết, nhiều người bán cho biết ứng dụng Giao hàng Nhanh thường xuyên lỗi, quá tải nên không nhiều người bán lựa chọn.
Trên ứng dụng của các đơn vị vận chuyển, thông tin về lịch nghỉ Tết Nguyên đán chưa được cập nhật. Chính sách đền bù khi đơn vị vận chuyển làm mất hàng, thất lạc hàng hoặc giao hàng chậm trễ… đều không được nhắc đến.
Một vài người cho rằng những ngày này, có lẽ nên chọn gửi hàng qua đường bưu điện để tránh tình trạng thất lạc, mất hàng.
Ngoài gặp vấn đề về giao hàng, vận chuyển, khách hàng than thở khó khăn trong việc liên hệ tới bộ phận chăm sóc khách hàng của một số đơn vị vận chuyển. Đa phần đầu dây bên kia luôn trong tình trạng bận, hoặc không có người nghe máy. Khách nhắn tin tới tổng đài thông qua phần mềm chăm sóc khách hàng cũng không khả thi.
Hiện tại, trên mạng xã hội, những bài đăng than thở về tình trạng vận chuyển ngày một nhiều. Tuy vậy, đây không phải tình trạng mới, gần như năm nào cũng diễn ra nhưng vẫn chưa được các đơn vị vận chuyển khắc phục.
Việc giao hàng chậm trễ, phí vận chuyển cao, shipper không hỗ trợ, khiến người bán hàng rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười, tụt giảm doanh thu và khó thu hồi vốn trong những ngày giáp Tết.