Trong các ngày 13 và 14/2, tại New York – Hoa Kỳ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận mở cấp cao về “Tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng mất an ninh lương thực đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” dưới sự chủ trì của Tổng thống Cộng hoà Guyana – nước Chủ tịch Hội đồng tháng 2/2024, với sự tham dự và phát biểu của đại diện gần 90 nước, Tổng thư ký LHQ và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế liên quan.

Trong phát biểu dẫn đề, Tổng thư ký Antonio Guterres nhận định thế giới đang đối mặt với khủng hoảng lương thực trong khi biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, đe dọa hòa bình, sự sống của con người, làm gia tăng bất ổn và bất bình đẳng ở nhiều nơi trên thế giới.

Các đại biểu chia sẻ đánh giá từ nhiều góc độ về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu, tình trạng mất an ninh lương thực và hòa bình, an ninh quốc tế; kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu, trong đó phát huy hơn nữa vai trò của LHQ và HĐBA, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực qua lại giữa các thành tố này, đặc biệt tại các nước và khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Tham tán công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận, Tham tán công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh nghèo đói vừa là gốc rễ vừa là hậu quả của xung đột, trong khi biến đổi khí hậu là tác nhân làm trầm trọng hơn tình trạng mất an ninh lương thực cũng như gia tăng nguy cơ đe dọạ hoà bình, ổn định quốc tế.

Đại diện Việt Nam cho rằng HĐBA cần và có thể làm nhiều hơn để phá vỡ vòng luẩn quẩn của biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và xung đột.

Thứ nhất, HĐBA cần phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò ngăn chặn xung đột, có cách tiếp cận toàn diện và cân bằng hơn giữa các mối đe doạ an ninh truyền thông và phi truyền thống.

Thứ hai, cần tăng cường tham vấn, phối hợp với các cơ quan LHQ, các cơ chế và sáng kiến liên quan ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia để xử lý kịp thời các nguy cơ an ninh từ biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực.

Thứ ba, cần cần bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong xung đột, theo đó các bên liên quan không được tấn công và pha hủy các cơ sở hạ tầng khí hậu và hạ tầng dân sự thiết yếu, nhất là có các sơ sở cung cấp nước và lương thực, theo các Nghị quyết 2417 và 2573 của Hội đồng Bảo an.

Là một trong số các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, từng trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh và chuyển mình từ một nước thiếu lương lực thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế thông qua hợp tác giải quyết tác động của biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực.

PV