Chuyển từ môn Văn sang môn Lịch sử để có cơ hội thi học sinh giỏi, Quỳnh Trang phát huy được lợi thế, dần say mê rồi ẵm ngôi thủ khoa toàn quốc.
Cuối tháng 1, Phạm Quỳnh Trang, lớp 12 chuyên Lịch sử, trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam, nhận kết quả thi học sinh giỏi quốc gia. Nữ sinh đạt 18,5/20 điểm, giành giải nhất môn Lịch sử, cũng là người có điểm cao nhất trong gần 580 thí sinh dự thi môn này.
“Em chỉ mong có giải ba trở lên, chưa từng nghĩ trở thành thủ khoa”, nữ sinh nói, cho biết từng coi môn Lịch sử là “phương án hai” để tìm cơ hội thi học sinh giỏi. Tuy nhiên, bước chuyển này đã giúp em có niềm đam mê mới, trúng tuyển trường chuyên, và giờ là tấm vé vào thẳng đại học.
Những năm THCS, Quỳnh Trang nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Văn của trường. Tới lớp 9, thấy sức mình khó cạnh tranh vào đội tuyển thi cấp tỉnh của môn này, Trang chủ động xin thầy cô cho thử sức với môn Lịch sử.
Trang kể, khi chuyển môn, kỳ thi chọn đội tuyển chỉ còn một tháng. Em là người mới, trong khi các bạn đã học bồi dưỡng từ những năm trước. Không còn cách nào, Trang “vắt chân lên cổ” để học đuổi.
Nữ sinh thừa nhận khi đó cố tìm cách học thuộc, làm sao học nhanh nhất có thể. Điểm thuận lợi với Trang là em có thể khái quát, trình bày vấn đề một cách cuốn hút hơn so với việc chỉ gạch đầu dòng theo ý. Trang cho rằng đây là những kỹ năng em học được sau nhiều năm trong đội tuyển học sinh giỏi Văn.
Sau khi đạt giải ba cấp tỉnh, Trang trúng tuyển lớp chuyên Lịch sử, trường THPT chuyên Biên Hòa. Được học sâu, bài bản, nữ sinh nhận ra Lịch sử không khô khan, ngược lại rất hấp dẫn. Em cũng được giới thiệu những góc nhìn mới từ các sự kiện vốn quen thuộc, nên cảm thấy như được “mở ra một thế giới khác”.
Có lực học tốt, ngay từ lớp 11, Trang đã nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử của tỉnh Hà Nam, giành giải ba. Đến năm học này, lần thứ hai góp mặt tại cuộc thi quốc gia, Trang đặt mục tiêu có giải cao hơn năm trước.
Đội tuyển thi quốc gia môn Lịch sử của tỉnh Hà Nam được thành lập tháng 10/2023 với 9 học sinh. Hàng ngày, ngoài thời gian học chính khóa, các em được bồi dưỡng chuyên sâu.
Vì Lịch sử không chỉ có học thuộc, nhớ các mốc ngày, tháng mà học sinh còn cần hiểu nguyên nhân, tác động và ảnh hưởng của một sự kiện tới những vấn đề khác. Do đó, Trang thấy học theo sơ đồ tư duy hiệu quả nhất, vừa giúp bao quát kiến thức, lại nhớ lâu. Nữ sinh thường đi ngủ lúc 0h hàng ngày, hiếm khi học muộn hơn.
Thời gian rảnh, Trang đọc truyện tranh, xem phim và đọc báo. Việc thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, giúp em mở rộng vốn từ, có thêm dẫn chứng thực tế.
Cô gái sinh 18 tuổi thích nhất khi học lịch sử Việt Nam cận đại (1858-1945) với nhiều sự kiện trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ngược lại, nữ sinh đánh giá lịch sử thế giới “học khó vào” hơn, đặc biệt về những cuộc cách mạng công nghiệp.
Đề thi năm nay có 7 câu hỏi, tổng 20 điểm. Thí sinh làm bài trong 180 phút. Lúc nhận đề, Trang hoảng bởi một số nội dung em đã học kỹ không xuất hiện.
Câu 4, theo nữ sinh là khó nhất. Câu này yêu cầu thí sinh trình bày những nhận thức mới về con đường cứu nước của các sĩ phu yêu nước tiến bộ ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914, sau đó nhận xét tác động của những nhận thức mới đó tới phong trào yêu nước Việt Nam bấy giờ.
Trang cho rằng cái khó của đề bài ở chỗ thí sinh phải biết tổng hợp, khái quát kiến thức, rồi chọn những nội dung phù hợp để trả lời. Nữ sinh dành khoảng 10 phút để phân tích kỹ yêu cầu của đề.
Ban đầu, Trang nghĩ rằng điểm mới nói chung trong nhận thức của những sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX là cứu nước, cứu dân, thay vì trung quân ái quốc (cứu vua, cứu nước) như giai đoạn trước. Nhưng sau khi đánh giá đề, thấy câu hỏi đề cập “những nhận thức mới”, Trang quyết định đưa ra thêm các điểm mới khác, căn cứ theo mục tiêu, hình thức, lực lượng đấu tranh, kèm dẫn chứng cụ thể.
Trong ba tiếng, Trang viết gần kín 6 tờ giấy thi, chỉ còn thừa vài phút trước khi hết giờ để đọc lại bài. Nữ sinh cho biết để có thể viết nhiều và nhanh như vậy vì một tháng trước thi, ngày nào cả đội cũng được giáo viên cho làm bài kiểm tra với hình thức tương tự thi thật.
“Lúc thi thử, em thưởng bỏ 1-2 ý vì không thể xong kịp. Thế nên khi hoàn thành bài thi thật trong thời gian cho phép, lại viết được rất dài, em hiểu vì sao cô giáo lại cho cả đội luyện tập như thế”, Trang nói.
Là giáo viên chủ nhiệm Trang từ năm lớp 10 và phụ trách bồi dưỡng đội tuyển Lịch sử, cô Trần Anh Đào đánh giá Trang có trí nhớ tốt, khả năng lý luận và suy nghĩ logic. Đây là những tố chất quan trọng để học tốt Lịch sử.
Trong quá trình học, Trang tự giác và chủ động. Thế mạnh của Trang là những câu hỏi tư duy, yêu cầu liên hệ thực tiễn.
“Trang là học sinh đặc biệt, tôi hiếm khi gặp bạn nào như vậy”, cô Đào nói, cho biết dù nhận định Trang có thể đạt giải nhất, việc học trò trở thành thủ khoa vẫn là niềm vui bất ngờ, vượt kỳ vọng.
Hoàn thành kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với kết quả xuất sắc, Trang có thể thả lỏng hơn trước, vì nhiều trường đại học, học viện tuyển thẳng thí sinh đạt giải quốc gia.
“Em quan tâm tới Học viện An ninh nhân dân và cân nhắc đăng ký xét tuyển vào trường này”, nữ sinh nói.
Thanh Hằng