Tuy đã có những quyết tâm và một số thuận lợi, song trên thực tế việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề và thách thức không nhỏ…
Với nhiều nỗ lực, việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam đã bắt đầu “hái quả ngọt”. Theo đó, tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%, tốc độ phát triển khoảng 20%/năm. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số tại Việt Nam là nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023), gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Việt Nam đang được quốc tế đánh giá là một trong nhóm những quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế số mạnh của thế giới.
TP. Đà Nẵng – điểm sáng về phát triển kinh tế số của cả nước. |
Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và công nghệ số nhằm tạo dựng lợi thế cạnh tranh mới, tìm kiếm các động lực phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước, việc thúc đẩy kinh tế số được quan tâm thực hiện. Đơn cử tại TP. Đà Nẵng, những năm gần đây, thành phố đã đạt nhiều thành tích về chuyển đổi số. Năm 2023, thành phố đã đạt được nhiều thành tích nổi bật thuộc lĩnh vực kinh tế số, như giải thưởng chuyển đổi số năm 2023 và 3 giải chuyên đề do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Tháng 9/2023, Đà Nẵng nhận được giải thưởng quốc tế Thành phố thông minh Seoul 2023, hạng mục ‘Thành phố lấy con người, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ’. Tương tự, Đà Nẵng cũng đã nhận giải thưởng ‘Thành phố xuất sắc trong triển khai, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam’.
Để có được kết quả đó, thành phố đã triển khai xây dựng nền móng, khai thác hiệu quả, đề ra các giải pháp phát triển kinh tế số. Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố đến năm 2030, xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 30% sản phẩm quốc nội (GRDP) của địa phương; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số, có tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động và đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3 – 4 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 – 25%/năm. Đây là những nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được.
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm tạo lập một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế số. GS. TS. Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm tạo lập một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế số. Trong đó, Chính phủ triển khai nhiều chính sách, chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số như: Chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin…
Tuy đã có những quyết tâm cũng như thuận lợi, song trên thực tế, theo PGS. TS. Lê Văn Huy, song hành với nhiều cơ hội lớn và rõ nét, kinh tế số Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều vấn đề và thách thức không nhỏ. Đó là các vướng mắc từ nội tại nền kinh tế trong nước như cơ cấu kinh tế, nguồn lực công nghệ và tập quán kinh doanh cũng như các biến động bất thường từ thế giới đã và đang tạo ra những rủi ro và tác động khó lường đến sự phát triển của kinh tế số…
Tuy đã có những quyết tâm cũng như thuận lợi, song trên thực tế kinh tế số Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề và thách thức không nhỏ. |
Đơn cử như về cơ sở hạ tầng viễn thông, Việt Nam có tốc độ trung bình mạng di động là 46,66 Mbps (đứng thứ 3 Đông Nam Á và 43 trên thế giới), tốc độ trung bình mạng cố định 84,18 Mbps (đứng thứ 5 Đông Nam Á và 45 trên thế giới); 79,1% người dân dùng internet; 89,8% người dân dùng mạng xã hội. Cơ sở hạ tầng internet đáp ứng yêu cầu kết nối trong nước. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối quốc tế còn yếu. Hiện, Việt Nam chỉ có 5 tuyến cáp quang biển kết nối quốc tế và thường gặp sự cố.
Nguồn nhân lực để phát triển kinh tế số vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin, là nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số vẫn còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng. Đặc biệt, môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. Sự chuyển đổi nhanh của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số đã dẫn tới một số quy định pháp luật không theo kịp với tình hình thực tế…
Về phía các doanh nghiệp trong nước, với khoảng 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ bé… nhưng ngày càng phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp nước ngoài vốn có công nghệ vượt trội, trong phát triển kinh tế số. Đây cũng là rào cản để chúng ta phát triển kinh tế số ở hiện tại cũng như trong tương lai.