Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN Việt Nam quan tâm hỗ trợ vốn cho phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế cho chị em, từ đó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện bình đẳng giới.
Về xã Tân Châu, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) vào ngày đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, mưa bay lất phất đánh thức cây cối đâm chồi nảy lộc, góp thêm màu xanh mướt trải rộng trên vùng đất bãi. Nhìn màu xanh bạt ngàn của cây ăn quả và cây giống, ít ai biết rằng ở xã Tân Châu – xã ngoại bối đất đai phì nhiêu, màu mỡ này những năm trước đổi mới, có đến 70% gia đình thiếu ăn khi toàn xã chỉ có 200 mẫu lúa mùa, còn lại đất bãi ở cốt cao nên thường thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở vụ xuân và vụ đông, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp nhất toàn huyện chưa đến 300m²/người. Thậm chí hơn chục năm trước, với việc trồng màu và trồng ngô, câu chuyện mưu sinh đầy nhọc nhằn và gian khó. Nhiều người dân đã phải ly nông, ly hương mưu sinh.
Nhưng hiện nay nhiều gia đình đã có thể an tâm ở lại quê nhà phát triển khi địa phương chuyển đổi cây trồng vật nuôi sang các cây trồng hiệu quả như: cây lạc, đỗ, chuối, cây ăn quả khác, cây giống. Trợ lực cho hành trình này là sự đồng hành của NHCSXH với việc tận dụng mọi nguồn vốn hỗ trợ người nghèo đối tượng chính sách đặc biệt là phụ nữ phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhà chỉ có 4 sào đất, trong đó 3 xào là đất thuê, song mỗi năm, chị Đỗ Thị Hòa ở thôn Mãn Hòa cũng để ra được cả trăm triệu đồng từ nghề trồng cây giống. Chị kể, những năm trước, nhà có một xào trồng ngô, lo ăn cũng chẳng đủ chưa nói gì đến chuyện cho con ăn học. Chính vì vậy, sau khi tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu thị trường cây giống ngày càng tăng, gia đình chị quyết tâm chuyển đổi cây trồng. Kinh nghiệm để sản xuất không phải là câu chuyện lớn khi chị em trong thôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau trong sản xuất.
Bài toán vốn tưởng khó, song khi biết chị có nhu cầu chuyển đổi sản xuất, Hội Phụ nữ xã Tân Châu cùng NHCSXH huyện Khoái Châu đã tạo điều kiện cho gia đình chị vay nguồn vốn giải quyết việc làm để mua thêm đất, cải tạo đất trồng, mua cây giống. Từ khoản vay đầu tiên 20 triệu đồng, rồi sau đó thêm các vòng vốn 30 triệu đồng, 40 triệu đồng và nay là 50 triệu đồng, đến nay chị đã có vườn ươm giống 30.000 cây đa dạng từ cây ăn quả (hồng xiêm, ổi, nhãn, bưởi) đến cây cảnh (hoa đào, cau). Mỗi tháng, xuất bán khoảng 4.000 cây. Chính nguồn thu từ mảnh đất nho nhỏ này, lại cộng thêm được NHCSXH huyện cho vay vốn chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn, đến nay, 2 con của chị đã tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, trong đó, một cháu đã mở phòng khám tư nhân, một cháu làm bác sỹ tại Bệnh viện ở Hà Nội.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Châu Đỗ Thị Xoan cho biết: Hiện nay, hội đang quản lý 500 hội viên vay vốn, với dư nợ 22 tỷ đồng.
Nguồn vốn chính sách trở thành nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho phụ nữ gia tăng quyền làm chủ, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Nếu như trước đây, toàn xã có tới 100 hộ nghèo thì đến nay, chỉ còn 30 hộ nghèo và chủ yếu là hộ nghèo không còn khả năng lao động. Các chị em tự vươn lên phát triển kinh tế làm giàu, trở thành một nguồn lực quan trọng giúp Tân Châu tiến gần đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng chính sách gắn với nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ
Để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác ủy thác vốn của NHCSXH hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam đã lãnh đạo Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đưa nội dung phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng chính sách gắn với nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong văn kiện Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017 – 2022), lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022 – 2027) và các Nghị quyết Ban Chấp hành, định hướng trọng tâm hoạt động Hội hằng năm. Chỉ tính riêng cấp Trung ương, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, đến nay Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo liên quan trực tiếp đến tín dụng chính sách và hoạt động ủy thác NHCSXH.
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và người dân, Hội còn lồng ghép nguồn lực, đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, xây dựng năng lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho hộ hội viên vay vốn; đẩy mạnh giáo dục tài chính, nâng cao năng lực quản lý tài chính giúp hộ vay có kiến thức quản lý tài chính hiệu quả, đồng thời góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, các cấp Hội luôn chú trọng lồng ghép việc triển khai tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án, đặc biệt là 02 đề án của Chính phủ: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (Đề án 939) và Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01).
Đồng thời, từ việc thực hiện Đề án 939, qua tham mưu đề xuất của Hội LHPN, nguồn vốn ủy thác của UBND tỉnh Hưng Yên qua NHCSXH để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được tăng lên. Đặc biệt, một số địa phương, UBND tỉnh ưu tiên dành nguồn vốn hoặc thành lập nguồn tín dụng riêng cho phụ nữ khởi nghiệp và uỷ thác qua NHCSXH với số vốn tăng hằng năm.
Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đối tượng vay vốn tín dụng chính sách, hàng năm, Hội LHPN Việt Nam cùng NHCSXH đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn về tài chính toàn diện, quản lý tài chính cá nhân và hộ gia đình, giúp hộ vay có thêm hiểu biết, kiến thức về tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; đẩy mạnh hướng dẫn các hộ vay vốn, hội viên, phụ nữ gửi tiết kiệm tại NHCSXH và các tổ chức tín dụng chính thức, tạo nguồn vốn tự có cho gia đình, giảm nhẹ gánh nặng hoàn trả vốn.
Với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống Hội LHPN các cấp và NHCSXH đã hỗ trợ hàng triệu hộ tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, góp phần không nhỏ trong cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có một bộ phận không nhỏ hội viên, phụ nữ. Tính đến nay, dư nợ ủy thác qua Hội LHPN đạt gần 128 nghìn tỷ đồng với gần 2,6 triệu hộ vay vốn, thông qua 61.937 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội tiếp tục tham gia chủ động, có trách nhiệm trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, tập trung đổi mới, sáng tạo các giải pháp thực hiện hiệu quả Văn bản thỏa thuận số 11789/VBTT giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị – xã hội; đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội đối với hộ nghèo, đặc thù để kiến nghị, đề xuất với Đảng, Chính phủ về các chính sách về tín dụng chính sách xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng, và bối cảnh thực tiễn. Đẩy mạnh lồng ghép thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Đề án của Chính phủ trong các Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm hỗ trợ các thành viên giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế; đóng góp tích cực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước.