Ba tôi vừa phát hiện bị sỏi thận, được giới thiệu sử dụng các loại lá dân gian để chữa bệnh, phương pháp này có hiệu quả và an toàn? (Minh, 30 tuổi, Đồng Nai)
Trả lời:
Hiện nay, nhiều người vẫn có thói quen sử dụng một số loại lá cây như lá sa kê, kim tiền thảo, ngò gai, rau ngổ… để trị sỏi thận. Tuy nhiên, thực tế, từng có nhiều trường hợp gặp phải biến chứng không mong muốn, thậm chí nguy hiểm tính mạng do sử dụng lá cây, bài thuốc không rõ nguồn gốc.
Phần lớn các loại lá chữa sỏi thận đều có tác dụng lợi tiểu, khi quá lạm dụng, chúng sẽ gây rối loạn điện giải, khiến cơ thể mất nước. Thận lúc này phải làm việc nhiều hơn, kéo theo tình trạng mệt mỏi, háo nước, chuột rút tác động tiêu cực lên hệ cơ và tim mạch.
Bên cạnh đó, một số loại lá cây còn chứa các độc tố gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến suy gan, suy thận nếu sử dụng lâu dài với liều lượng cao. Do đó, việc tự chữa sỏi thận bằng thuốc nam, lá cây tại nhà không hề được khuyến khích. Trước khi sử dụng lá hay bất kỳ bài thuốc nam nào, bạn cần tham khảo kỹ tư vấn của bác sĩ chuyên môn.
Triệu chứng nhận biết sỏi thận là đau hông lưng, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, tiểu khó, sốt cao, nước tiểu lẫn máu.
Nhằm loại bỏ sỏi thận một cách an toàn, bạn nên đi thăm khám để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, để phòng ngừa sỏi thận, cần uống đủ nước. Nên uống đều đặn 2 đến 3 lít nước mỗi ngày, luyện tập thể thao, hạn chế sử dụng quá mức caffein (tập trung nhiều trong trà, cà phê, socola…), giảm lượng muối hấp thụ vào cơ thể thông qua chế độ ăn nhạt, hạn chế sử dụng đồ đóng hộp như thịt xông khói, xúc xích, đồ ăn sẵn, thực phẩm chứa nhiều chất béo.
Chế độ ăn hằng ngày nên đa dạng các nhóm thực phẩm, ăn đủ chất xơ, rau củ, trái cây để giúp cho việc điều trị dứt điểm, ngăn bệnh tiến triển và giảm nguy cơ tái phát về sau.
Bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai
Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM