Lính Ukraine cho biết những chiếc Challenger 2 rất nặng nên khó cơ động và dễ sa lầy, trong khi hạn chế hậu cần khiến hàng loạt xe không thể tham chiến.
“Mọi thứ đều có ưu điểm và khuyết điểm. Vấn đề với xe tăng Challenger 2 là khả năng cơ động. Nó thường xuyên sa lầy, mắc kẹt trong bùn vì quá to và nặng”, Chol, trưởng ngành kỹ thuật của tiểu đoàn xe tăng Challenger 2 quân đội Ukraine, nói với các phóng viên Anh đến thăm thao trường gần tiền tuyến hồi tuần trước.
Hình ảnh do truyền thông Anh công bố cho thấy một chiếc Challenger 2 ngập trong bùn, giữa lúc tổ lái tìm mọi cách để đưa xe thoát lầy nhưng không có kết quả.
Tiểu đoàn trưởng có biệt danh “Kayfarick” quát mắng kíp lái vì cho rằng họ di chuyển quá chậm qua vũng bùn, khiến xe mất đà và bị mắc kẹt hoàn toàn. Nhóm lính Ukraine phải huy động thêm một chiếc Challenger 2 để kéo xe tăng sa lầy đến vị trí khô ráo.
Kayfarick thừa nhận một trong những điểm yếu lớn nhất của Challenger 2 chính là kích thước đồ sộ và khối lượng quá nặng. Mẫu xe tăng nguyên bản có khối lượng 64 tấn, nặng hơn 20 tấn so với dòng T-80 mà Kayfarick từng điều khiển. Nó có thể nặng tới 75 tấn nếu lắp đặt đầy đủ mô-đun chiến đấu và vỏ giáp tăng cường.
Động cơ diesel V-12 của Challenger 2 có công suất hơn 1.200 mã lực, giúp xe tăng đạt tốc độ tối đa 59 km/h trên đường bằng và 40 km/h khi vượt địa hình. Tuy nhiên, tỷ số công suất – khối lượng của nó vẫn kém hơn 30% so với mẫu T-80 trong biên chế Ukraine.
Các binh sĩ Ukraine tiết lộ rằng chỉ 7 trong 14 xe tăng Challenger 2 mà nước này nhận từ Anh còn khả năng chiến đấu. Trong 7 chiếc còn lại, một xe bị quân đội Nga phá hủy hồi tháng 9/2023, một chiếc dành để huấn luyện ở hậu phương, 5 xe hư hỏng nhưng chưa có phụ tùng thay thế. Hai xe cũng bị hư hại trong chiến đấu nhưng đã được sửa chữa, trong đó một xe phải thay nòng pháo.
Kayfarick nói rằng độ tin cậy của xe Challenger 2 cũng là nỗi đau đầu với lực lượng Ukraine, nhất là trong bối cảnh thiếu linh kiện và thợ máy lành nghề.
“Đệm cao su bọc xích và bánh xe liên tục bị mòn. Các thiết bị trong tháp pháo và hệ thống ngắm bắn chính xác cao có tuổi thọ thấp, chúng bắt đầu hỏng hóc ngay từ khi tiếp nhận. Chúng tôi phải chờ đợi trong thời gian dài, thường là vài tháng, để phụ tùng được chuyển từ Anh tới đây. Hoạt động hậu cần rất phức tạp ở cả hai đầu”, sĩ quan Ukraine cho hay.
Loạt xe Challenger 2 được London chuyển cho Kiev không kèm theo bộ giáp tăng cường nặng 12 tấn, vốn xuất hiện trên xe tăng Anh tham chiến ở Iraq. Binh sĩ Ukraine phải tự bỏ tiền mua vật liệu và hàn thêm các khối giáp lồng ở mặt trước, sườn và nóc tháp pháo để tăng khả năng bảo vệ.
Dù vậy, các kíp xe Ukraine đề cao hỏa lực của xe tăng Challenger 2, cho rằng nó có độ chính xác “như súng bắn tỉa” và tuyên bố thường xuyên bắn trúng mục tiêu từ khoảng cách 4,5 km. Họ tiết lộ phần lớn nhiệm vụ là nhằm vào cứ điểm cố định và chiến hào Nga.
“Những chiếc Challenger 2 chưa tham gia trận đấu tăng nào, bởi địa hình không cho phép”, tiểu đoàn trưởng Ukraine cho hay.
Kayfarick và Chol nói rằng xe tăng Challenger 2 từng được dùng để uy hiếp tinh thần bộ binh Nga bằng cách tăng tốc, lao thẳng về phía chiến hào đối phương. Cả hai người đều không nhắc tới hiệu quả của phương pháp này, nhưng nhấn mạnh đơn vị Challenger 2 Ukraine không có loại đạn phù hợp để đối phó bộ binh.
Sĩ quan Ukraine cũng lo ngại nhiều chỉ huy và kíp xe Ukraine chưa hiểu được vai trò khác nhau của xe tăng NATO và Liên Xô, khiến họ không tận dụng được hết tính năng và hạn chế nhược điểm trên dòng Challenger 2.
“Xe tăng Liên Xô được thiết kế để làm nhiều nhiệm vụ, trong khi khí tài NATO tập trung vào những trận đấu tăng trực diện. Các lãnh đạo quân đội Ukraine từng bị giằng xé giữa tư duy kiểu Liên Xô và học thuyết tác chiến của NATO”, Kayfarick nói thêm.
Vũ Anh (Theo Sun)