KHÔNG CÒN CÀO BẰNG ĐIỂM CHO DÙ CÂU HỎI KHÓ, DỄ
Với đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2024 trở về trước, những môn thi theo hình thức trắc nghiệm, tùy vào số câu hỏi của mỗi đề, thang điểm sẽ được chia đều. Dù câu hỏi dễ hay khó, thông hiểu hay vận dụng thấp hoặc cao đều cùng chung mức điểm.
Nhưng bắt đầu từ năm 2025, Bộ GD-ĐT quy định về cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT, các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần. Trong đó, có hai phần giữ nguyên cách tính điểm như trước là phần 1 và phần 3. Trong đó phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn một đáp án đúng. Mỗi câu trả lời đúng, thí sinh (TS) được 0,25 điểm. Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. TS tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình. Đối với môn toán, ở phần 3, mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm. Các môn khác, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.
Riêng phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm đúng/sai thì thang điểm không còn chia đều. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý TS lựa chọn đúng hoặc sai. TS lựa chọn đúng một ý trong một câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; đúng hai ý trong một câu hỏi được 0,25 điểm; đúng ba ý trong một câu hỏi được 0,5 điểm; đúng cả bốn ý trong một câu hỏi được 1 điểm.
Với sự thay đổi này, thạc sĩ Trần Văn Toàn, nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho biết cách tính điểm ở phần 2 hay và hợp lý, tạo sự công bằng. Ở đây sẽ đánh giá được giữa học sinh (HS) đánh lụi và HS học hiểu, biết. Chẳng hạn với môn toán, ở phần 2 trả lời đúng sai, chỉ cần chọn một ý sai là sai hết toàn bộ câu hỏi.
Thầy Toàn nhấn mạnh, việc xóa bỏ cào bằng điểm cho các câu trả lời có giá trị như nhau còn tạo cho HS tinh thần tự trọng. Biết thì nói mình biết, thể hiện qua câu trả lời và ngược lại chứ không còn cứ đánh liều, tạo sự giả dối.
Xây dựng đề thi sao cho HS theo học sách nào cũng làm được
Giáo viên Phạm Lê Thanh bày tỏ băn khoăn: “Khâu xây dựng ngân hàng, thư viện đề thi rất quan trọng, đảm bảo làm sao ngữ liệu không theo một bộ sách nào cả, HS học một trong 3 bộ sách đều có thể làm được bài thi và đều có thể đánh giá được năng lực và phẩm chất của TS, đáp ứng các mục tiêu về kỳ thi tốt nghiệp THPT là giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội. Đồng thời, đảm bảo tính trung thực, khách quan, đủ độ tin cậy để làm cơ sở đánh giá và sàng lọc năng lực HS sau 3 năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018”.
GIÚP PHÂN HÓA TRÌNH ĐỘ CỦA HS
Tương tự, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), nhìn nhận, cách tính điểm mới theo định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là một bước ngoặt lớn cho việc đánh giá đúng và trúng toàn diện năng lực của HS.
Ở phần 2, mỗi câu hỏi có bốn ý phát biểu, TS phải vận dụng toàn diện kiến thức và kỹ năng chuyên môn mới có thể chọn được câu trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Từ đó phân loại được tư duy và năng lực của nhiều nhóm đối tượng HS khác nhau, chuẩn hóa và đo được năng lực thực tế của từng HS, hạn chế được việc dùng “mẹo” hay “đoán mò” để chọn đáp án. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Thạc sĩ Thanh cho hay, đây cũng là điều mà khảo thí ở các quốc gia tiên tiến đã áp dụng nhiều năm, đem lại nhiều giá trị trong đo lường và đánh giá năng lực người học ở từng cấp học.
Thạc sĩ Võ Thanh Bình, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cũng khẳng định sự thay đổi và điều chỉnh cách tính điểm ở dạng thức đề tốt nghiệp theo chương trình mới có tác động tích cực vì yêu cầu HS học và hiểu bài kỹ hơn, tránh học tủ, học vẹt ở các môn mình lựa chọn. Từ đó đảm bảo việc nắm vững kiến thức cơ bản để dễ dàng tiếp thu kiến thức ở bậc học cao hơn, giúp phân hóa trình độ của HS.
ĐIỀU CHỈNH CÁCH DẠY VÀ HỌC
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh cho rằng cách tính điểm mới đòi hỏi việc dạy và học phải thay đổi. HS phải nắm chắc và hiểu sâu kiến thức nền tảng mới có thể giải quyết được các câu hỏi; không còn chăm chăm vào giải bài tập, giải đề mà kiến thức lý thuyết nền tảng môn học bị bỏ rơi nữa vì thực tế nội dung đề thi rất rộng. Việc phát triển câu hỏi và hình thức xây dựng cấu trúc đề cũng đa dạng và phân hóa hơn.
“Giáo viên cũng không còn kiểu dạy đoán đề, “gà” đề mà phải bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình để dạy, phát triển chương trình và xây dựng câu hỏi cũng từ yêu cầu cần đạt của chương trình để kiểm tra HS. Không còn những bài toán, bài tập phi thực tế, không có giá trị đo lường năng lực HS như trước”, thạc sĩ Thanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, thạc sĩ Lê Văn Nam, giáo viên Trường THPT Trần Văn Giàu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cũng nhìn nhận ma trận định dạng đề thi mới hợp lý và tích cực. “Với đề thi trước đây, có khi giáo viên lưu ý HS câu dễ làm trước, câu khó làm sau hoặc nếu không biết thì sử dụng phép may rủi. Nhưng với cấu trúc mới này sẽ không thể sử dụng thói quen như vậy”, thạc sĩ Nam nhận định.
Còn thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho rằng hình thức đánh giá HS cũng phải thay đổi theo hướng đánh giá đa dạng năng lực chứ không phải kiểm tra kỹ năng ghi nhớ kiến thức. HS nên chủ động tìm hiểu kiến thức qua nhiều kênh ngoài kiến thức do giáo viên cung cấp.
Thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho rằng giáo viên cần cho HS hiểu và nắm vững các kiến thức ngữ văn theo đặc trưng thể loại mà chương trình yêu cầu. HS cần rèn luyện kỹ năng thay vì nhồi nhét kiến thức, tăng cường khả năng tư duy phân tích, phản biện và sáng tạo hơn là học thuộc lòng. Cần thực hành nhiều dạng đề, tìm đọc nhiều tác phẩm và tác giả ngoài sách giáo khoa. Giáo viên cần tăng cường các bài tập thực hành với các văn bản ngoài sách giáo khoa để HS tìm hiểu, nhận biết.
Chính vì vậy, thạc sĩ Thanh mong chờ Bộ GD-ĐT định hướng nội dung đề thi theo hướng gần gũi thực tế đời sống, không nặng về kỹ năng nhớ và hiểu kiến thức mà khuyến khích các kỹ năng tư duy bậc cao hơn thông qua việc ứng dụng kiến thức để giải quyết vấn đề cụ thể trong cuộc sống. “Định hướng đề thi và quy cách tính điểm như vậy mới phát huy tín hiệu tích cực trọn vẹn cho việc đổi mới”, thạc sĩ Thanh nhận định.
Bao nhiêu điểm là hợp lý ?
Trong đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025 mà Bộ GD-ĐT đã công bố, ví dụ đối với môn lịch sử phần 2, có 4 câu hỏi, mỗi câu hỏi có bốn ý: a, b, c, d. Như vậy bốn ý trong cùng một câu hỏi đều có mức độ khó như nhau nên khi TS chỉ lựa chọn chính xác một ý trong một câu hỏi được 0,25 điểm là hợp lý, thay vì là 0,1 điểm.
Đề thi có thêm phần lựa chọn đúng/sai, yêu cầu HS phải nắm vững chắc kiến thức, hiểu được bản chất của vấn đề mới có lựa chọn chính xác đúng/sai. Đây là điểm mới trong cấu trúc của đề thi các môn trắc nghiệm và trong đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025 được sự đồng tình của thầy cô và HS. Việc TS chọn đúng/sai trong phần 2 cũng chính là phần vận dụng và vận dụng cao để đánh giá năng lực HS chính xác nhất đúng theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, dạy học phát huy phẩm chất năng lực HS và cũng đáp ứng của việc đổi mới đồng bộ tương thích giữa việc học và thi.
Nguyễn Văn Lực
(Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)