(Dân trí) – Làng cổ Phước Tích được công nhận Di tích Quốc gia vào năm 2009, các cơ quan chức năng đang lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.
Làng cổ Phước Tích được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông, được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 40km về phía bắc.
Sau làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), làng cổ Phước Tích là ngôi làng cổ thứ 2 được nhà nước công nhận, cấp bằng Di tích Quốc gia.
Làng cổ Phước Tích vẫn giữ được hàng loạt hệ giá trị văn hóa đậm chất làng quê Bắc Trung bộ như thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng, cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan xóm làng.
Với những lợi thế về quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hóa Chăm Pa…, làng cổ Phước Tích ngày nay đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong, ngoài nước.
Trong làng hiện có 26 ngôi nhà rường cổ, tuổi đời trên 100 năm, trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật và 12 bến nước đặc trưng của miền quê xứ Huế.
Người dân Phước Tích đã phát huy các sản phẩm du lịch tham quan nhà vườn cổ, homestay, trải nghiệm làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng,…
Ngoài các công trình kiến trúc, tại làng Phước Tích có cây thị cổ thụ trên 500 tuổi, được công nhận là cây di sản vào năm 2015; cây cao 25m, chu vi thân khoảng 6m.
Theo người dân Phước Tích, cây thị cổ thụ gắn với sự tồn tại, phát triển của làng, nơi hội họp đưa ra nhiều quyết sách quan trọng; đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến, lòng rỗng trong thân cây từng là căn cứ bí mật của các chiến sỹ cách mạng.
Nhắc đến làng cổ Phước Tích chắc chắn phải nói về nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng một thời.
Các vị cao niên trong làng cho biết, nghề làm gốm xưa kia là nghề chủ lực của người dân Làng Phước Tích. Nhờ những nghệ nhân gốm tài hoa, sáng tạo, sản phẩm gốm Phước Tích mang đậm dấu ấn riêng, tạo dựng vị thế trên thị trường. Ghe chở đồ gốm theo 12 bến nước bên dòng sông Ô Lâu thường xuyên xuôi ngược đi khắp các vùng miền để giao dịch.
Gốm Phước Tích được nung rất kỹ, lò đắp kiên cố, có nhiệt độ cao, nhờ thế mà sản phẩm không nứt, không giòn, giữ nhiệt, giữ hương vị. hoa văn trên những sản phẩm của Phước Tích được chạm trổ tinh tế, rất đặc trưng nên không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào.
Xưa kia, gốm Phước Tích đã vượt qua nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng khác, trở thành lựa chọn duy nhất trong Hoàng cung Huế.
Ngày nay gốm Phước Tích đang hồi sinh nhờ những nghệ nhân trẻ tâm huyết với nghề truyền thống do cha ông để lại. Du khách khi đến tham quan làng cổ có thể trải nghiệm làm gốm cùng các nghệ nhân.
Năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích.
Đề án hướng tới việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng cổ Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững và tạo sự kết nối, phát triển không gian kinh tế – văn hóa và xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để UBND huyện Phong Điền có cơ sở lập các dự án kêu gọi đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng, đảm bảo cảnh quan môi trường sinh thái phù hợp với không gian kiến trúc nghệ thuật của làng cổ (Ảnh: Đoàn Quyết Thắng).
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có tờ trình gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề nghị thỏa thuận chủ trương xếp hạng Làng cổ Phước Tích là di tích Quốc gia đặc biệt.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, cho biết trước đó đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Phong Điền làm hồ sơ lý lịch trích ngang trình UBND tỉnh để xin ý kiến của Trung ương.
Theo ông Lộc, kể từ khi được công nhận Di tích cấp Quốc gia, làng cổ Phước Tích đã được khai thác, bảo tồn khá tốt.
Khi được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng thêm các đề án phát huy giá trị văn hóa của làng cổ độc đáo này, nhằm bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc nơi đây.
Dantri.com.vn