Ngày 31/3, Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Lao động và Công đoàn, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức Ngày hội việc làm dành cho lao động nữ năm 2024 tại Quế Võ.
Tham dự có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.
Với chủ đề “Việc làm và sức khỏe cho nữ công nhân”, Ngày hội việc làm có sự tham gia của gần 2.000 người và gần 30 doanh nghiệp. Mỗi đơn vị tham gia có ít nhất một gian hàng để thực hiện các hoạt động tư vấn sức khỏe, làm đẹp, giới thiệu việc làm…
Với hơn 5.000 chỉ tiêu tuyển dụng, Ngày hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự phù hợp, tạo sự kết nối cung – cầu giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận với lao động nữ. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian qua cũng bắt đầu tuyển dụng trở lại với số lượng lớn, như: Công ty Foxconn, Công ty Goetek cần tuyển khoảng 10.000 người; Công ty ITM cần tuyển 5.000 người…
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Ngày hội việc làm dành cho lao động nữ năm 2024 khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là lao động nữ; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của đoàn viên, lao động nữ về vấn đề chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, sắc đẹp nhằm xây dựng lực lượng lao động nữ năng động, tự tin, chủ động trong tình hình hội nhập.
Trong khuôn khổ Ngày hội, còn có tọa đàm với chủ đề: “Nhịp cầu lao động: Bảo đảm việc làm, sức khỏe cho lao động nữ”. Dịp này, Ban Tổ chức đã trao quà (tiền và hiện vật) tặng 50 lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Với 72% phụ nữ tham gia làm việc, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao trên thế giới. Lao động nữ đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, tuy vậy, họ đang gặp nhiều khó khăn và rào cản hơn trong công việc. Trên thực tế, sự bất bình đẳng tồn tại cả về điều kiện việc làm, trả lương, lẫn trong thăng tiến nghề nghiệp. Khoảng cách lương giữa nam và nữ đang là gần 13%.
Số liệu của Tổng cục Thống kê (2023) cũng cho thấy, số lượng lao động nữ giảm mạnh trong thời kỳ nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ 25,9 triệu năm 2019 xuống 22,8 triệu người năm 2021, sau đó đã bắt đầu cải thiện trong năm 2022. Điều này cho thấy tình trạng việc làm của nữ giới vẫn dễ bị tổn thương hơn nhiều so với nam giới khi nền kinh tế suy giảm.
Số liệu từ Trung tâm Phát triển và Hội nhập – tổ chức phi Chính phủ của Việt Nam cho thấy, có tới 81,6% lao động nữ chưa được đào tạo nghề và đang phải đối mặt với nhiều thách thức.