Mới là tập thứ nhì nhưng đã kịp tự giới thiệu một văn phong, một cảm quan về văn chương như thể đã ấp ủ từ lâu đợi lúc xuất đầu lộ diện.
Khi trẻ người ta nghĩ khác
Trong thế giới của Lê Khải Việt, lịch sử có thể là chuyện đã qua nhưng là chuyện chưa bao giờ kết thúc.
Người ta cứ trở đi trở lại giữa đôi dòng sử liệu ấy như lách giữa khung cửa hẹp ngăn cách hiện thực với giấc mơ để tìm kiếm nhưng tìm kiếm điều gì?
Mười ba truyện ngắn trong Khi trẻ người ta nghĩ khác trình bày những trạng huống khác nhau, ở những dòng thời gian khác nhau nhưng mọi nhân vật đều như thể đứng trước cái vực thẳm của quá khứ băn khoăn tự hỏi dưới vực thẳm kia có gì, và bên kia vực có gì.
Thế giới mà các nhân vật này đang sống chìm ngập trong nỗi hoài nghi, trong những màn sương mơ hồ thực ảo, trên một vùng địa lý dẫu xác quyết có tồn tại trên đời nhưng lại mang cảm giác như lúc nào nó cũng có thể dạt vào cõi không thực.
Ở cõi không thực, con người bị mắc kẹt, trở thành tù nhân của quá khứ và không ngừng kêu đòi thoát ra.
Câu “khi trẻ người ta nghĩ khác” không chỉ là sự nuối tiếc một thời đã mất mà còn là niềm tiếc thương những người trẻ tuổi nhưng không có tuổi trẻ. Những trái cây chín sớm, những giấc mơ lạc lối không còn cơ hội thứ hai để quay về.
Bi kịch chính là luôn huyễn hoặc
Trong cuốn Chuyến bay tháng ba, có thể thấy tác giả sử dụng nhiều bức ảnh chụp in kèm các truyện của mình.
Những bức ảnh này khi là nguồn cảm hứng chính yếu, khi chỉ là phông nền. Lúc thì minh họa, như để chứng minh tính “chân xác” của câu chuyện mà tác giả kể. Cuốn Khi trẻ người ta nghĩ khác không in kèm hình ảnh như thế dẫu Lê Khải Việt hoàn toàn có khả năng.
Hiện thực duy nhất trên trang viết là ngôn từ, ngôn từ xây mơ, ngôn từ tái lập không gian, ngôn từ trở thành thứ công cụ duy nhất mà tác giả có để níu kéo sự thực. Dẫu là một sự thực cảm tính, đầy đe dọa, ở đó bầu trời “trong xanh đến bất an” (truyện Khi trẻ người ta nghĩ khác).
Các nhân vật của Lê Khải Việt có mang tên hoặc vô danh, lúc lại thu về thành những ký hiệu J, K (truyện Bên trái và bên phải và…) tựa như những quân bài trong tay số phận.
Tác giả đã nhận ra “Bi kịch chính là luôn huyễn hoặc mình là kẻ ngoại cuộc, là kẻ bên lề” và để chối bỏ huyễn hoặc ấy là các nhân vật dấn thân vào chuyến hành trình bằng trái tim háo hức dù gợn hoài nghi.
Trí tưởng tượng của Lê Khải Việt bắt rễ từ chính cuộc sống. Ta vẫn có thể thấy những vấn đề thời sự như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Trong những thứ hôm nay đã ẩn chứa ngày hôm qua. Bằng cách viết, Lê Khải Việt muốn sống trọn và hiểu đến tận cùng cuộc sống này.
Phải nhắc lại, đây là tác phẩm của một người không còn trẻ nữa. Các truyện ngắn có sự chiêm nghiệm của người từng trải và có cả cái bỡ ngỡ của người tò mò khám phá.
Chính vì thế, có thể các truyện của Lê Khải Việt không tươi mới nhưng hứa hẹn, như chàng chăn cừu trong truyện Những vị thần và chuyện xảy ra bên kia thảo nguyên: “Và người chăn cừu thức dậy. Chung quanh anh ta là bóng đêm. Dưới chân anh ta là sa mạc. Nhưng phía sau anh ta là thế giới”.