Vietnam Airlines báo cáo doanh thu hợp nhất năm 2023 từ hoạt động kinh doanh chính đạt 92.231 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 3.885 tỷ đồng. Cao điểm Tết Nguyên đán quý I/2024, hoạt động của hãng tiếp tục có các tín hiệu khả quan.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 2023 mới được công bố, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ghi nhận 92.231 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng hơn 21.400 tỷ (tức 30%) so với năm 2022. Đây cũng là con số doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử hoạt động của tổng công ty, chỉ thấp hơn giai đoạn 2018 – 2019 khi Covid-19 chưa bùng phát.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng ghi nhận lợi nhuận gộp 3.885 tỷ đồng trong năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên kể từ đầu dịch tổng công ty có lợi nhuận gộp trong cả năm tài chính.
Kết quả này đạt được là nhờ một phần rất lớn vào các nỗ lực tự thân của Vietnam Airlines. Báo cáo giải trình cho biết tổng công ty đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn vốn và dòng tiền trong năm 2023.
Vietnam Airlines giảm lỗ và kinh doanh hiệu quả trở lại trong những quý cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Thực tế, năm 2023, Vietnam Airlines nhanh chóng khôi phục toàn mạng đường bay nội địa và hầu hết đường bay quốc tế so với trước dịch Covid-19, đồng thời, mở thêm đường bay mới đến Australia, Ấn Độ. Hãng đẩy mạnh công tác bán, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, giúp gia tăng doanh thu và nâng cao hình ảnh, thương hiệu của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines cũng chú trọng cắt giảm chi phí. Ngoài các khoản chi phí cắt giảm theo quy mô sản lượng, Vietnam Airlines đã triển khai đàm phán giảm giá, tiết kiệm, cắt giảm chi phí với số tiền ước tính đạt hơn 3.200 tỷ đồng.
Năm 2023 còn là năm Vietnam Airlines đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, bám sát chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn 2022-2026. Hãng đã ứng dụng các công nghệ, phần mềm mới vào nhiều quy trình công việc, điểm chạm dịch vụ, giúp gia tăng năng suất lao động, hiệu quả điều hành khai thác và chất lượng dịch vụ.
Ở chiều ngược lại, hoạt động của Vietnam Airlines gặp phải nhiều thách thức như thị trường vận chuyển quốc tế phục hồi không đồng đều, tình trạng thừa tải và cạnh tranh gay gắt, giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga – Ukraine, Israel – Hamas và các rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) gia tăng.
Ngoài ra, việc tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước chậm lại cũng ảnh hưởng tới chi tiêu của hành khách. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP toàn cầu ước tính giảm từ 3,5% trong năm 2022 xuống còn 2,9% vào năm 2023. Ở trong nước, tăng trưởng từ 8,02% năm 2022 xuống còn 5,05% vào năm ngoái.
Kết quả, hoạt động sản xuất kinh doanh sau kiểm toán của Vietnam Airlines vẫn thua lỗ trong quý IV và cả năm 2023.
Cụ thể, lỗ sau thuế hợp nhất trong quý IV/2023 là 1.982 tỷ đồng, thấp hơn 1.457 tỷ đồng so với số lỗ cùng kỳ 2022, tương đương giảm lỗ 42,4%. Vietnam Airlines cho biết nguyên nhân của chuyển biến này là công ty mẹ Vietnam Airlines và công ty con Pacific Airlines đã giảm lỗ, trong khi các công ty con khác như NCS, VAECO và VACS có lãi nhiều hơn. Lỗ sau thuế cả năm 2023 là 5.631 tỷ đồng, giảm 50% so với năm trước.
Theo dự báo của Vietnam Airlines, thị trường quốc tế sẽ từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty cũng được kỳ vọng có kết quả tích cực hơn vào năm 2024-2025.
Trong quý I/2024, thị trường hàng không quốc tế được đánh giá đã cải thiện tại hầu hết tại các khu vực, trừ một số thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc). Nhóm đường bay châu Úc, Ấn Độ, Mỹ tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và so với 2019.
Thị trường hàng không nội địa cơ bản đã phục hồi, với nhiều đường bay nội địa tăng trưởng tốt đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024.
Cụ thể, từ ngày 25/1 đến 24/2 (tức là từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng âm lịch), Vietnam Airlines khai thác hơn 13.300 chuyến bay, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi ngày, hãng đã thực hiện hơn 420 chuyến bay, vận chuyển hơn 2 triệu lượt khách an toàn và đúng giờ.
Tuy nhiên, yếu tố biến động tỷ giá của một số đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán so với USD cũng đã gây những ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động kinh doanh của tổng công ty. Đồng thời, giá nhiên liệu vẫn neo ở mức cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Vietnam Airlines dự kiến cung ứng gần 560.000 ghế, tương ứng hơn 2.800 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 2/5/2024. Theo đó, số chuyến bay tăng cường tập trung trên các đường bay du lịch như giữa Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo…
Trên mạng đường bay quốc tế, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia là những điểm đến có nhiều chuyến bay nhất của Vietnam Airlines. Hiện tại, nhiều chuyến bay hành trình Hà Nội – Huế, Quảng Bình, Nha Trang, Phú Quốc hay TPHCM – Đà Nẵng, Phú Quốc… vào dịp cao điểm đã đầy chỗ từ 50% đến 70%.
Báo Dân trí