Đây là thông tin quan trọng giúp nhà trường nhìn nhận về chất lượng dạy học; từ đó có giải pháp tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá sát với chuẩn đầu ra, đảm bảo công bằng và phát triển năng lực thực chất của học sinh.
Thấy gì từ tương quan điểm thi - học bạ?
Nhận định của cô Nguyễn Thị Giang Hương - Trường THPT Trần Quang Khải (Triệu Việt Vương, Hưng Yên), từ tương quan điểm thi và điểm học bạ Bộ GD&ĐT công bố có thể thấy ở cả 12 môn học, điểm trung bình học bạ cơ bản cao hơn so với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này dễ hiểu, vì điểm học bạ là kết quả của cả quá trình đánh giá. Với tinh thần vì sự tiến bộ của học sinh, trong đánh giá thường xuyên, học sinh có cơ hội được cải thiện điểm dựa vào sự nỗ lực, phấn đấu tiến bộ.
Mục đích đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện, học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để các em điều chỉnh hoạt động rèn luyện, học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.
Từ dữ liệu điểm thi của nhà trường, ông Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Lam Sơn, Thanh Hóa) thông tin: Về tổng thể, điểm thi tốt nghiệp THPT có xu hướng thấp hơn so với điểm trung bình môn học trong học bạ, đặc biệt ở các môn như Ngữ văn, Lịch sử và Toán.
So với năm 2024, mức độ chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi năm nay có chuyển biến tích cực, khoảng cách thu hẹp hơn ở một số môn, nhờ việc nhà trường đã chú trọng đến đánh giá quá trình và tăng cường kiểm tra theo hình thức tương tự đề thi tốt nghiệp.
Mặc dù vậy, một số học sinh của trường có điểm học bạ cao (trên 8,0), nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ ở mức khá, hoặc trung bình. Điều này phản ánh việc đánh giá trong quá trình học của nhà trường có phần chưa sát với chuẩn đầu ra của kỳ thi quốc gia, hoặc học sinh chưa được chuẩn bị tốt kỹ năng làm bài thi chuẩn hóa.
Ông Trần Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường THPT huyện Điện Biên (Thanh An, Điện Biên) cho biết: Tương quan giữa điểm thi và điểm trung bình học tập các môn ở THPT năm 2025 vẫn duy trì ở mức trung bình - khá (hệ số từ khoảng 0,45 đến 0,68) tùy môn học.
Tại Trường THPT huyện Điện Biên, có hiện tượng một số học sinh điểm trung bình môn học cao nhưng điểm thi lại thấp, nhất là các môn có nội dung thi yêu cầu tư duy tổng hợp hoặc kỹ năng vận dụng (Toán, Vật lí, Hóa học). Điều này phản ánh thực trạng, việc đánh giá trong nhà trường đâu đó còn chưa sát chuẩn đầu ra và cần nhìn nhận nghiêm túc về chất lượng dạy học, đánh giá trong nhà trường.

Những bài học quan trọng
Phân tích đối sánh điểm thi và học bạ giúp nhà trường rút ra bài học, định hướng cải tiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Theo ông Trần Huy Hoàng, Trường THPT huyện Điện Biên sẽ tập trung nâng cao chất lượng đánh giá quá trình học tập tại trường với việc xây dựng ma trận đề kiểm tra định kỳ sát chuẩn đề thi tốt nghiệp, bảo đảm tính phân hóa và độ tin cậy; tăng cường kiểm tra chéo, đổi chéo đề kiểm tra giữa các lớp, các giáo viên; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên về đánh giá năng lực và xây dựng câu hỏi vận dụng, vận dụng cao.
Hoạt động kiểm tra chuyên đề về đánh giá học sinh sẽ được tăng cường; đồng thời, tổ chức kiểm tra khảo sát toàn trường 2 đợt/năm để đánh giá chéo và rà soát chất lượng ra đề, chấm điểm.
Từ các thông tin điểm số Bộ GD&ĐT công bố, ông Hà Văn Trí - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Hương Thủy, TP Huế) cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới, trước hết cần tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, đáp ứng được các yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình.
Cùng với đó, tăng cường dạy học gắn với các vấn đề có tính ứng dụng thực tiễn. Nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Có thể phối hợp toàn ngành hoặc liên trường để tổ chức các kỳ kiểm tra, kỳ thi chung nhằm tranh thủ nguồn tài nguyên đề, nội dung về chuyên môn giữa các đơn vị.
Đối sánh tương quan điểm thi và điểm học bạ, cô Nguyễn Thị Giang Hương cũng cho biết, Trường THPT Trần Quang Khải rút ra một số bài học quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục những năm tới.
Thứ nhất: Tăng cường dạy học theo hướng phát triển năng lực. Chương trình GDPT 2018 nhấn mạnh vào việc đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Bởi vậy, bên cạnh bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, thầy cô cần có phương pháp giảng dạy nhằm phát triển năng lực tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, kỹ năng áp dụng thực tiễn, phù hợp với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.
Thứ hai: Khuyến khích học sinh nỗ lực học tập toàn diện. Việc sử dụng điểm trung bình cả ba năm học trong xét tốt nghiệp khuyến khích học sinh học tập đều đặn, toàn diện ngay từ đầu cấp THPT. Ban Giám hiệu xây dựng, tổ chức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ để theo dõi tiến độ học tập của học sinh, có biện pháp hỗ trợ kịp thời học sinh yếu kém cải thiện, nâng cao kết quả. Điểm học bạ chiếm 50%, nên thầy cô cần chú trọng đánh giá quá trình học tập công bằng, khách quan; đảm bảo chất lượng kiểm tra, đánh giá, để điểm học bạ phản ánh đúng năng lực học sinh.
Thứ ba: Thầy cô, nhà trường hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp sớm để học sinh chọn môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp sở trường, mục tiêu xét tuyển đại học, từ đó tối ưu hóa điểm số.
Thứ tư: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong dạy học. Với lộ trình chuyển đổi sang thi trên máy tính trong thời gian tới, nhà trường cần chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, hướng dẫn học sinh làm quen với các dạng đề thi mới trên máy tính. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng phần mềm học tập, bài kiểm tra trực tuyến… sẽ giúp các em dần thích nghi với các hình thức thi mới.
Thứ năm: Tập trung bồi dưỡng các môn có tính phân hóa cao. Phổ điểm năm 2025 cho thấy môn Toán, Tiếng Anh có tính phân hóa mạnh, số điểm 10 tăng nhưng điểm trung bình có xu hướng giảm. Nhà trường đầu tư bồi dưỡng, nâng cao chất lượng dạy và học, triệt để đổi mới phương pháp, bám sát thực tiễn, phân hóa học sinh, xây dựng ngân hàng đề mang tính ứng dụng cao, giúp học sinh cải thiện khả năng giải quyết vấn đề khi gặp tình huống thực tế.
Dữ liệu điểm thi, mối tương quan giữa điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 và điểm học bạ, cho thấy sự chuyển dịch sang đánh giá học sinh toàn diện hơn; công bằng hơn trong xét tốt nghiệp, mà vẫn duy trì tính phân hóa cao của kỳ thi để phục vụ tuyển sinh đại học. Từ đó, các trường THPT điều chỉnh kịp thời phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, khuyến khích học sinh học tập, cải thiện chất lượng, chuẩn bị cơ sở vật chất ngày một tốt hơn phục vụ dạy và học. - Cô Nguyễn Thị Giang Hương
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/cai-tien-chat-luong-tu-doi-sanh-diem-thi-post741421.html
Bình luận (0)