Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chọn nghề: Đam mê, định hướng hay nhu cầu xã hội?

ĐNO - Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, các sĩ tử lại đứng trước một lựa chọn quan trọng không kém kỳ thi: chọn ngành học, chọn trường – cũng là chọn hướng đi cho tương lai. Nhưng giữa vô vàn lời khuyên và xu hướng, nên chọn nghề theo đam mê cá nhân, định hướng gia đình hay nhu cầu của thị trường?

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng26/07/2025

CHỌN NGHỀ
Một tiết học trải nghiệm nghề truyền thống của học sinh THPT trên địa bàn thành phố.

Bạn Nguyễn Hữu Thịnh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, từng là cầu thủ trẻ của đội U17 quốc gia. Giữa kỳ thi tốt nghiệp, Thịnh vẫn trăn trở về quyết định nguyện vọng.

“Em mê thể thao từ nhỏ, từng mơ được theo nghiệp bóng đá. Nhưng sau chấn thương, ba mẹ nói nên chọn hướng khác an toàn hơn. Giờ em đang cân nhắc ngành kinh tế, nhưng vẫn tiếc ước mơ trở thành cầu thủ”.

Không riêng Thịnh, nhiều học sinh khác cũng buộc phải điều chỉnh ước mơ cá nhân vì lo ngại “khó nuôi sống bản thân” hoặc khó xin được việc.

Linh Đan, học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Khê, say mê hội họa từ nhỏ và từng có ước mơ thi vào trường mỹ thuật. “Khi tìm hiểu, em thấy nghề họa sĩ khó kiếm sống, bố mẹ lại khuyên nên chọn ngành có thu nhập ổn định. Em đang phân vân giữa theo đuổi đam mê hay chuyển sang một ngành kinh tế”.

Đam mê có thể là bước khởi đầu, nhưng nếu thiếu năng lực phù hợp, hoặc ngành học không có đầu ra rõ ràng, nó dễ trở thành gánh nặng. Rất nhiều bạn trẻ chọn cách "sống ban ngày – mơ ban đêm": học ngành ổn định để kiếm sống, còn giữ đam mê như một thú vui riêng.

Trong nhiều gia đình, cha mẹ vẫn là người giữ vai trò “định hướng chiến lược” – thậm chí quyết định thay con. Chị Phạm Thị Nguyệt (phường An Khê, Đà Nẵng) có con trai đang học lớp 12 và chuẩn bị điều chỉnh nguyện vọng đại học. Là gia đình có truyền thống làm công việc kinh doanh, chị và chồng mong con học quản trị kinh doanh để bố mẹ hỗ trợ và định hướng nhưng cậu con trai lại mê làm phát thanh viên đài truyền hình và mong muốn học ngành Truyền thông báo chí.

“Chúng tôi thực sự lo nếu cháu học truyền thông thì sau này bấp bênh. Ngành đó tương lai công nghệ AI sẽ thay thế. Nhưng cháu cũng không vui khi bị ép buộc. Giờ gia đình đang tìm cách thỏa thuận sao cho hài hòa giữa mong muốn và thực tế”, chị Nguyệt chia sẻ.

Cô Triều Giang, giáo viên hướng nghiệp tại một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Khê cho biết: “Nhiều học sinh tâm sự với tôi rằng các em chọn ngành học theo ý ba mẹ, không phải vì yêu thích. Hậu quả là khi vào đại học, các em dễ chán nản, bỏ dở, hoặc học xong lại chuyển hướng hoàn toàn”.

Cô cũng nhấn mạnh: “Phụ huynh cần cập nhật thông tin ngành nghề, hiểu sự thay đổi của thị trường lao động. Việc ‘áp’ ngành nghề cho con đôi khi dựa vào niềm tin lỗi thời, khiến con học trong gượng ép”.

Trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi liên tục, việc chọn nghề theo nhu cầu xã hội là xu hướng phổ biến. Những ngành liên quan đến công nghệ, dữ liệu, logistics, chăm sóc sức khỏe, du lịch – nhà hàng – khách sạn... đang thiếu nhân lực rõ rệt.

Một số trường đại học hiện không còn tuyển sinh theo điểm sàn mà chuyển sang xét học bạ, phỏng vấn năng lực. Thị trường cũng dần đánh giá cao kỹ năng thực hành, ngoại ngữ, tư duy sáng tạo hơn là chỉ dựa vào bằng cấp.

Tuy vậy, cô Triều Giang lưu ý: “Không ít học sinh chọn ngành vì thấy bạn bè thi công nghệ thông tin nên cũng thi, nhưng sau năm nhất lại bỏ học vì không hợp. Có em chọn ngành ‘dễ xin việc’ nhưng học xong mới nhận ra mình không đam mê và chuyển hướng”.

Chọn ngành theo thị trường cần dựa trên thông tin chính xác, có dự báo dài hạn, và quan trọng nhất: phù hợp với bản thân.

Trong tam giác chọn nghề – đam mê, năng lực, nhu cầu xã hội – nếu thiếu một yếu tố, con đường sẽ chênh vênh. Nhưng điểm tựa vững vàng nhất vẫn là tự hiểu chính mình.

Biết bản thân giỏi gì, hợp môi trường nào, tính cách phù hợp với nghề gì – là điều các em cần khám phá từ sớm. Những hoạt động hướng nghiệp thực chất, trải nghiệm nghề, đi thực tế doanh nghiệp, học kỹ năng mềm… cần được đẩy mạnh ở bậc phổ thông.

Không thể chọn ngành chỉ vì “điểm chuẩn thấp” hay “ngành đang hot”. Mỗi học sinh nên có một lộ trình cá nhân – nơi các em khám phá mình qua từng hoạt động, từng môn học, từng lần va vấp.

Chọn nghề không phải là chọn một tấm vé một chiều, mà là chọn một hành trình dài. Trên hành trình ấy, các em cần tỉnh táo, có đủ thông tin, có sự lắng nghe từ người lớn – và có khả năng điều chỉnh khi cần thiết.

Theo cô Triều Giang, hiện nay, học sinh và phụ huynh đang trong giai đoạn điều chỉnh và xác nhận nguyện vọng. Đây là lúc cần nhất sự đối thoại thay vì áp đặt hay “kệ con muốn gì thì muốn”.

Không có quyết định nào là hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng nếu có thông tin đúng, có sự đồng hành từ ba mẹ, có lắng nghe từ thầy cô – thì mỗi học sinh đều có thể bước vào cánh cửa đại học với sự tự tin.

Đam mê là chất liệu khởi đầu, nhu cầu xã hội là định hướng, nhưng hiểu mình mới là chìa khóa thực sự cho một lựa chọn nghề nghiệp bền vững.

Nguồn: https://baodanang.vn/chon-nghe-dam-me-dinh-huong-hay-nhu-cau-xa-hoi-3297971.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm