Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chủ động đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão

Tỉnh ta có hệ thống giao thông đường thủy rất đa dạng, 259km sông do Trung ương quản lý gồm: Sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào, kênh Quần Liêu, kênh Nghĩa Hưng và 268km sông địa phương (trong đó có 61,75km đã được UBND tỉnh công bố luồng đường thủy nội địa); có 3 cảng biển, 6 cảng sông, 135 bến thủy nội địa, 83 phà, bến khách ngang sông đang hoạt động trên 4 tuyến sông chính và 72km bờ biển; trong đó, có 4 cửa sông lớn đổ ra biển gồm cửa sông Ba Lạt, Lạch Giang, Hà Lạn, cửa Đáy và các bãi ngang. Có 2 tuyến sông giáp ranh gồm sông Hồng giáp tỉnh Thái Bình, sông Đáy giáp tỉnh Ninh Bình. Toàn tỉnh có 1 kênh giao thông chính là kênh Quần Liêu dài 3,5km; 1 cảng sông Nam Định và 1 cảng biển Thịnh Long. Hệ thống các cầu lớn vượt sông gồm: cầu Tân Đệ vượt sông Hồng; cầu Đò Quan, cầu Nam Định, cầu Thiên Trường vượt sông Đào; cầu Lạc Quần, cầu Thịnh Long và cầu phao Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ... Ngoài các điểm vượt sông, trên các tuyến đường thủy chỉ có phương tiện chở hàng hóa và khai thác, đánh bắt thủy sản hoạt động. Đặc thù này đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) tuyến đường thủy trong mùa mưa bão, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh, bất thường.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định27/05/2025

Sửa chữa cầu phao Ninh Cường đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão.
Sửa chữa cầu phao Ninh Cường đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa bão.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong năm 2025, các hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường vẫn có khả năng có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng mùa mưa bão. Với tinh thần không chủ quan xem nhẹ, cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thiên tai, bão và áp thấp nhiệt đới khi có hướng đổ bộ vào đất liền, đặc biệt đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại của thiên tai, đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, ngay từ đầu năm 2025, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh trong tháng 4/2024, Sở Xây dựng đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) ngành Xây dựng năm 2025 trong đó chú trọng các phương án PCTT đối với lĩnh vực đường thủy nội địa; phương án ứng cứu, khắc phục sự cố về đường thủy nội địa khi có tình huống xảy ra…

Để chủ động hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị chủ động kiểm tra, tổ chức bảo dưỡng thường xuyên theo kế hoạch quý, năm 2025 và những tháng đầu năm 2025 hệ thống đường bộ, đường thủy do đơn vị mình quản lý, kiểm tra các cầu yếu, các cầu có nguy cơ bị đâm, va do lượng phương tiện thủy nội địa tăng nhanh, hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để bổ sung kịp thời các biển báo hiệu, đèn tín hiệu, thiết bị chống đâm va; tăng cường công tác kiểm tra luồng để xử lý các sự cố, các vụ vi phạm hành lang an toàn đường thủy phục vụ tốt nhiệm vụ PCTT và TKCN. Đối với các đơn vị được giao quản lý hệ thống bến phà, cầu phao phải đánh giá hiện trạng hệ thống phà, ca nô, phương tiện phải đảm bảo yêu cầu đăng ký, đăng kiểm; vệ sinh sạch sẽ hai đầu bến theo quy định; trang bị neo, cáp, áo phao và thiết bị cứu sinh theo tiêu chuẩn. Kiểm tra, đôn đốc đơn vị sửa chữa phương tiện vượt sông, tăng cường quản lý, tổ chức vận hành. Duy trì đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng, chủ động phân công lãnh đạo, bố trí cán bộ, lực lượng trực PCTT và TKCN theo quy định. Tổ chức thực hiện vận hành khai thác bến theo đúng quy định về quản lý và vận hành khai thác được phê duyệt và các quy định của Luật Đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định hiện hành. Trước mùa mưa bão năm nay, Sở Xây dựng yêu cầu các điểm vượt sông trọng điểm như: Phà Sa Cao - Thái Hạc trên tuyến đường tỉnh 489, Phà Ninh Mỹ trên tuyến đường tỉnh 488C, phà Đại Nội trên tuyến Quốc lộ 21B, cầu phao Ninh Cường trên tuyến Quốc lộ 37B, phải có kế hoạch nạo vét âu dấu, nạo vét đầu bến; kiểm tra các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa, hố thế, neo cáp, sửa chữa phao, phà, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ theo quy định, bổ sung phao cứu sinh, cáp, vật tư dự phòng. Sở cũng tổ chức kiểm tra các bến khách ngang sông, kiên quyết đình chỉ hoạt động bến khi không đủ điều kiện an toàn như: Giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ người lái, trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh, bảo hiểm đối với phương tiện... Đồng thời yêu cầu Phòng Kinh tế, hạ tầng và đô thị các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng của Sở có kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão đối với các bến vượt sông quan trọng. Khi thiên tai, bão lũ xảy ra, các phương tiện phao, phà tại các điểm vượt sông phải cất dấu không thể hoạt động được, các tuyến đường xác định dự phòng để phân luồng giao thông gồm 487; 488; 489C; 488C; 490C; 486B,… các tuyến đường huyện đã được đầu tư đồng bộ trên địa bàn.

Cùng với đó, Sở Xây dựng cũng chủ động xây dựng phương án ứng phó sự cố thiên tai và TKCN đường thuỷ. Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN ngành Xây dựng phát tin báo thiên tai, thông báo cảnh báo, quyết định huy động khẩn cấp, quyết định biện pháp khẩn cấp về ứng phó thiên tai. Chủ động bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai và kịp thời tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức thực hiện ngay việc tìm kiếm, cấp cứu người bị nạn, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, trục vớt, cứu hộ phương tiện thiết bị, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể và của nhân dân. Thực hiện các biện pháp bảo vệ các công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; cứu nạn phương tiện, thiết bị, công trình PCTT đang bị sự cố hoặc có nguy cơ gây mất ATGT đường thủy nội địa. Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị các huyện, thành phố có trách nhiệm theo dõi cấp gió từ Đài khí tượng thủy văn Trung ương yêu cầu các bến chở khách ngang sông trên địa bàn dừng hoạt động khi điều kiện thời tiết nguy hiểm không đảm bảo an toàn. Ngay sau khi bão suy yếu (gió dưới cấp 5) tổ chức kiểm tra tình trạng kỹ thuật kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; thực hiện ngay các biện pháp khôi phục tạm thời đối với hệ thống báo hiệu, luồng tuyến, công trình quan trọng bị hư hỏng do thiên tai; chỉnh các cột, biển báo hiệu nghiêng đổ, phao báo hiệu bị trôi do thiên tai, triển khai lại các phao báo hiệu đã thu hồi trước thiên tai, phù hợp với quy định về mực nước và tình hình thủy văn, dòng chảy trên các tuyến luồng.

Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh các biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy đã và đang được các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tích cực triển khai; các chủ phương tiện và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn có thể xảy ra. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với đơn vị liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa xây dựng kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện các đợt kiểm tra liên ngành giải quyết các vấn đề gây mất trật tự ATGT đường thủy của tỉnh; tiếp tục rà soát thống kê các điểm đen tai nạn giao thông trên các tuyến đường thủy báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để xử lý.

Bài và ảnh: Thành Trung

Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202505/chu-dong-dam-bao-an-toangiao-thong-duong-thuy-trong-mua-mua-bao-cf71c99/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm