Người dân xã Xuân Hồng đã quen thanh toán trực tuyến khi mua sắm hàng hóa tiêu dùng. |
Kết quả đầu tiên trong xây dựng trụ cột KTS của huyện Xuân Trường là đã xây dựng mô hình chợ 4.0 với mục tiêu giúp các tiểu thương, hộ kinh doanh được trang bị các nền tảng thanh toán số; 75% người dân có tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử; 90% tiểu thương, các hộ kinh doanh; 70% người dân thực hiện việc mua, bán hàng hóa sử dụng thành thạo công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ 4.0. Để đạt kết quả này, huyện đã huy động sự vào cuộc của nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, an toàn thông tin và bố trí nhân lực hoàn thiện cung cấp tài khoản ngân hàng, mở ví điện tử, hướng dẫn cho tiểu thương, hộ kinh doanh và người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Tăng cường tuyên truyền phổ biến về thanh toán số trong giao dịch thương mại trên pa-nô, hệ thống phát thanh, qua các nhóm zalo của thôn, xóm, tổ dân phố và Trang thông tin điện tử của địa phương để người dân biết, thực hiện. Các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng, Ban quản lý các chợ và nhân viên các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã trực tiếp đến từng hộ kinh doanh, tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Cả 14 xã, thị trấn trong huyện đã lắp đặt pa-nô tuyên truyền về chợ 4.0, thanh toán số được huy động xã hội hóa từ các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank, Ngân hàng Chính sách xã hội, Co-op Bank, các đơn vị viễn thông: VNPT, Viettel. Huyện cũng hoàn thành lắp đặt 16 điểm phát sóng wifi miễn phí tại 16 chợ trên địa bàn huyện đảm bảo việc truy cập mạng internet tại các nơi công cộng được nhanh chóng, thông suốt, thuận tiện cho việc thanh toán trực tuyến. Hầu hết tiểu thương trên địa bàn huyện được mở tài khoản, ví điện tử cấp mã QR Code. Trên 90% người dân từ 18-60 tuổi đều mở tài khoản ngân hàng. 100% tài khoản ngân hàng, ví điện tử của người dân được mở đều phát sinh giao dịch, tỷ lệ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 50% so với thời điểm trước khi triển khai kế hoạch. Chợ 4.0 góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS, xây dựng KTS trên địa bàn huyện. Đến nay, 100% hộ kinh doanh đều sử dụng các dịch vụ thanh toán số, trên 95% sản phẩm, dịch vụ được thanh toán qua các nền tảng số. Triển khai thành công chợ 4.0 trên địa bàn huyện đã tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển KTS, khắc phục trở ngại về khoảng cách địa lý và trình độ công nghệ, để người dân có thể dễ dàng thực hiện việc thanh toán giao thương, trao đổi, mua bán hàng hóa mọi lúc, mọi nơi chỉ với một chiếc điện thoại.
Cùng với ứng dụng công nghệ số vào thanh toán, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm thúc đẩy phát triển KTS toàn diện trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, thương mại... với các sản phẩm: Hóa đơn điện tử, vé điện tử, hợp đồng điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, du lịch thông minh, cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt và chăn nuôi 100% doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; ứng dụng chữ ký số điện tử trong giao dịch với các ngành Thuế, Hải quan, BHXH...; khoảng 30% doanh nghiệp đang triển khai sử dụng các nền tảng số trong quản trị nhân lực, quản lý tài chính, kế toán... Bên cạnh đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện cũng đã sử dụng nền tảng số để giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua các kênh thương mại điện tử. Trong đó tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm OCOP lên quảng cáo bán hàng tại các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee hoặc các mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đã có 52 sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đều thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo các yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin ở mỗi công đoạn từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến và thương mại sản phẩm được đưa lên các kênh bán hàng trực tuyến. Đồng thời được giới thiệu, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận và làm quen với phương thức bán hàng hiện đại trên môi trường số với nhiều tiện ích, dễ quản lý theo dõi, thị trường rộng lớn, không giới hạn tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương.
KTS đang phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện Xuân Trường. Thu ngân sách quý I năm 2025 ước đạt 131 tỷ đồng, tăng 12% so với dự toán tỉnh giao. Thành tựu về phát triển KTS của Xuân Trường đã góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc CĐS toàn tỉnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/xuan-truong-phat-trienkinh-te-sogop-phanthuc-day-tang-truong-0a42e6a/
Bình luận (0)