Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chuyển đổi xanh: Điều kiện sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển

Chuyển đổi xanh giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, mở ra cho doanh nghiệp cơ hội bước vào các thị trường khó tính... Đó cũng là điều kiện sống còn để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.

Hà Nội MớiHà Nội Mới14/07/2025


san-xuat.jpg

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội.

Chủ động chuyển đổi sản xuất xanh

"Sẵn sàng, chủ động và quyết liệt chuyển đổi xanh, chuyển đổi số từ tư duy phát triển bền vững", định hướng này của Vinamilk đã được cụ thể hóa bằng những kết quả rõ nét. Năm 2024, Vinamilk tiếp tục duy trì 3 đơn vị đạt trung hòa carbon, bao gồm hai nhà máy và một trang trại; tỉ lệ năng lượng xanh thay thế gần 89% năng lượng hóa thạch trong sản xuất; duy trì việc đo đếm khí nhà kính theo chuẩn ISO 14064 cho tất cả các nhà máy trên cả nước.

Giám đốc điều hành sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero của Vinamilk Lê Hoàng Minh chia sẻ, tại các trang trại, công nghệ xử lý nước thải tạo ra biogas không chỉ giúp tái tạo nước cho tưới tiêu, phân bón hữu cơ cho trồng trọt, mà còn tận dụng khí metan để sấy cỏ, đun nước nóng... Mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả này giúp Vinamilk tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Để giảm dấu chân carbon, hướng đến Net Zero, Vinamilk đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại tất cả nhà máy và trang trại. Ngoài ra, công ty còn sử dụng năng lượng sinh khối từ mùn cưa, bã mía... và khí nén tự nhiên (CNG) thay thế nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon. Kết quả, 89% năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch tại các nhà máy đã được thay thế bằng năng lượng xanh - là con số ấn tượng trong lĩnh vực sản xuất.

Cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi xanh, Tập đoàn TH đang kiên trì xây dựng hành trình tiêu dùng bền vững và thân thiện với môi trường. Từ năm 2018, TH true mart đã là một trong những hệ thống bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng túi nilon, thay thế bằng túi sinh học, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi vải. TH cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành sữa sử dụng thìa sữa chua làm từ chất liệu có nguồn gốc tinh bột thực vật, an toàn cho sức khỏe người dùng, thay thế cho loại thìa nhựa PE. Từ năm 2022, TH giảm 50% số lượng thìa tặng kèm sản phẩm sữa chua... Bằng những hành động thiết thực, Tập đoàn TH cắt giảm được khoảng 600 tấn nhựa và tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp đã thành lập bộ phận nghiên cứu và đổi mới sáng tạo chuyên trách, tạo động lực mạnh mẽ cho chuyển đổi xanh. Điển hình là Tập đoàn Vingroup, với những khoản đầu tư lớn vào các dự án xe điện VinFast, giúp giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông và phát triển năng lượng tái tạo. Tập đoàn Masan Group cũng thực hiện các sáng kiến tái chế sản phẩm nhựa, giảm chất thải và sử dụng năng lượng xanh tại các nhà máy sản xuất...

Cần những giải pháp toàn diện

Theo Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang có những bước tiến quan trọng trong phát triển các giải pháp công nghệ xanh, nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Song, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, như việc huy động tài chính để chuyển đổi xanh và các quy định còn chưa rõ ràng dành cho những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Để giải quyết những rào cản này, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, các cơ quan quản lý cần khảo sát, đánh giá và xây dựng bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xanh tại Việt Nam; phát triển một khung chỉ số đánh giá tác động xã hội - môi trường - kinh tế dành cho các doanh nghiệp công nghệ xanh; hỗ trợ các trường đại học và viện nghiên cứu hợp tác với doanh nghiệp để phát triển công nghệ xanh mới. Đồng thời, các chiến dịch truyền thông về tiêu dùng xanh cũng cần đẩy mạnh, nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Là một trong những địa phương nỗ lực, quyết liệt trong chuyển đổi xanh, năm 2025, Hà Nội phấn đấu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chủ lực như dệt may, rượu, bia, nước giải khát, thép, nhựa. Thành phố cũng đặt mục tiêu lan tỏa lối sống và tiêu dùng bền vững trong toàn xã hội. Theo đó, 100% phường, xã, 100% khu, cụm công nghiệp và 70% làng nghề sẽ được phổ biến kiến thức và thực hành về sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay, Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thủ đô đang được triển khai với nhiều nhóm giải pháp, từ giảm thiểu tác động môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên đến hình thành mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong đó, sản xuất sạch hơn và sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường được thúc đẩy thông qua xây dựng mạng lưới liên kết chuỗi vòng đời sản phẩm, từ nhà cung cấp nguyên vật liệu đến sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn, tiếp cận kỹ thuật tiên tiến và ứng dụng công cụ quản lý trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mô hình điển hình, hiệu quả về sử dụng tài nguyên tiết kiệm cũng sẽ được nhân rộng. Về phía hệ thống phân phối và xuất, nhập khẩu, Thành phố chú trọng phát triển mạng lưới kết nối giữa nhà bán lẻ với bên cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường. Người tiêu dùng cũng được định hướng rõ ràng thông qua việc phổ biến kiến thức về sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái và các tiêu chí lựa chọn sản phẩm xanh.


Nguồn: https://hanoimoi.vn/chuyen-doi-xanh-dieu-kien-song-con-de-doanh-nghiep-ton-tai-va-phat-trien-709022.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm