Sản phẩm khởi nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm |
Tiếp sức cho startup
Những năm qua, thành phố Huế đã có những bước đi vững chắc nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) phát triển; trong đó, trọng tâm là hỗ trợ các sản phẩm, dự án khởi nghiệp có tính sáng tạo, tiềm năng thương mại và tác động tích cực đến xã hội. Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thành phố hiện đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện từ giai đoạn hình thành ý tưởng, hoàn thiện mô hình kinh doanh cho đến việc đưa sản phẩm ra thị trường. Cụ thể như các chương trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp, kết nối cố vấn, hỗ trợ chi phí thử nghiệm công nghệ, thực hiện đề tài KHCN, thiết kế nhãn mác bao bì, truyền thông thương hiệu và tiếp cận thị trường...
Điểm nhấn quan trọng là Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST cấp thành phố tổ chức định kỳ hàng năm từ năm 2017 đến nay thu hút hàng trăm dự án tham gia, trong đó có nhiều dự án có tính ứng dụng cao và triển vọng phát triển bền vững. Thông qua cuộc thi, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng được lựa chọn và tập trung hỗ trợ, hoàn thiện mô hình kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ công nghệ để cải thiện chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt, người từng tham gia và dẫn dắt cho nhiều tác giả, nhóm tác giả tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST bày tỏ, nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của Trung ương và thành phố, nhiều dự án khởi nghiệp đã được kết nối với nhà đầu tư, vườn ươm, các quỹ hỗ trợ sáng tạo và từng bước mở rộng thị trường.
Bà Huệ và nhiều startup mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ thành phố, các cơ quan chức năng trong một số lĩnh vực về: Hỗ trợ truyền thông, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, các quy trình mới nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm mang thương hiệu Huế.
Một số ý kiến khác cho rằng, ở Huế vẫn đang thiếu môi trường để kết nối giữa không gian sáng tạo và không gian khởi nghiệp. Mặc dù hiện tại Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST thành phố Huế (Hue Innovation Hub) đang có không gian giao lưu, sáng tạo dành cho các startup ở Huế, nhưng quy mô còn khá nhỏ. Trong khi đó, ở Huế có rất nhiều lĩnh vực để hình thành từng không gian sáng tạo, khởi nghiệp mạnh như: Ẩm thực, du lịch dưỡng sinh, dược liệu, nông nghiệp công nghệ cao, thủ công mỹ nghệ, công nghệ số... Ngoài ra, Huế còn cần không gian đào tạo, huấn luyện cho mảng công nghệ, không gian thử nghiệm sản phẩm công nghệ... để startup có thể trải nghiệm, tạo ra những giải pháp, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo có khả năng phát triển, thương mại hóa cao.
Vươn ra thị trường
Không chỉ dừng lại ở ý tưởng, nhờ sự đồng hành từ chính quyền, các tổ chức hỗ trợ và cộng đồng doanh nghiệp, nhiều sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Huế đã có bước chuyển mình rõ rệt. Từ việc định hình thị trường nội địa đến dần xuất khẩu ra nước ngoài, các sản phẩm này đang từng bước khẳng định vị thế bằng chất lượng và bản sắc địa phương.
Chị Trần Thị Thành, CEO startup Gừng viên Organic Thành Ân chia sẻ, ngay sau khi được trao giải thưởng của Chủ tịch UBND thành phố tại Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST, đơn vị được hỗ trợ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của mình tại nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, các sự kiện lớn như Techfest, hội chợ thương mại quốc tế... Qua đây, đơn vị được lắng nghe sự góp ý từ "khách hàng", được tiếp cận các công nghệ mới, mẫu mã mới để hoàn thiện sản phẩm và phát triển thị trường tiêu thụ.
Chị Lê Nhật Phương, người sáng lập sâm Bố Chính Hoàng Gia cũng đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ Sở KH&CN, Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST thành phố Huế, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Huế và nhiều tổ chức đoàn thể. Từ quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sản phẩm đơn điệu, đến nay, sâm Bố Chính Hoàng Gia đã có nhiều sản phẩm hữu dụng được thị trường đón nhận. Các dòng sản phẩm sâm Bố Chính đã có mặt tại nhiều cửa hàng đặc sản, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, tiếp cận thị trường Hàn Quốc...
Theo ông Cung Trọng Cường, Giám đốc Hue Innovation Hub, Trung tâm đang tập trung xây dựng nền tảng kết nối số giữa các nhà: sáng lập, đầu tư, cung ứng dịch vụ, tài chính để hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp có tính liên kết cao. Đây là điều kiện để các sản phẩm khởi nghiệp vươn ra thị trường mạnh mẽ hơn.
Thời gian tới, khi Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo của quốc gia tại Huế được hình thành với các thiết chế KHCN tầm cỡ, như: Khu công nghệ cao, Công viên khoa học gắn với trung tâm ĐMST, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, AI, công nghiệp bán dẫn, công nghệ sinh học... sẽ càng gắn kết chặt giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, gắn hoạt động khởi nghiệp sáng tạo với việc ứng dụng KHCN, làm chủ công nghệ. Với chiến lược đúng hướng và bằng các chính sách linh hoạt, hỗ trợ thiết thực, kết nối thị trường bài bản, Huế sẽ là "mảnh đất lành" cho khởi nghiệp cất cánh.
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/khoi-nghiep/dua-cac-du-an-khoi-nghiep-vuon-xa-155234.html
Bình luận (0)