Nông dân xã Hiền Thành thu hoạch môn tây - Ảnh: H.T
Từ đầu tháng 4/2025 đến nay, nông dân các xã Kim Thạch, Hiền Thành đang tập trung thu hoạch cây môn. Sản phẩm môn củ đang được thương lái thu mua với giá dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/ kg, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Niềm, ở thôn Tân An, xã Hiền Thành cho biết: “Gia đình tôi trồng 4 sào môn tây (môn lựu đạn). Từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng, không tốn quá nhiều vốn đầu tư, chỉ cần bón phân và làm sạch cỏ cho cây phát triển. Mỗi sào môn cho thu hoạch khoảng 8 - 9 tạ củ. Với giá bán như hiện nay, trồng môn lãi nhiều hơn so với các loại cây trồng khác như bắp, đậu...”.
Phấn khởi khi diện tích môn vừa thu hoạch xong thì được thương lái mua tận đồng ruộng, bà Nguyễn Thị Hương, ở thôn Tân An, xã Hiền Thành chia sẻ, gia đình vừa thu hoạch hơn 3 sào môn tây, mặc dù thời tiết bất lợi nên sản lượng không cao nhưng bù lại giá bán có tăng so với năm ngoái nên cũng có lãi.
“Sau nhiều năm canh tác cây môn, tôi nhận thấy điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương rất phù hợp với loại cây trồng này. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng môn, tập trung chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông để cây đạt năng suất, chất lượng hơn, từ đó tăng thu nhập cho gia đình”, bà Hương cho biết.
Xã Kim Thạch là địa phương có diện tích trồng môn lớn nhất huyện Vĩnh Linh với các giống chủ yếu như: môn tây, môn nịch, môn sáp. Chủ tịch UBND xã Kim Thạch Dương Thế Hà thông tin, năm 2025, toàn xã có 137 ha môn các loại cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 140 tạ/ha, sản lượng 1.918 tấn.
Hiện nay, cây môn là một trong những cây trồng chính, ngắn ngày, mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã. Vào mùa thu hoạch môn, người dân không cần mang đi bán xa, các thương lái từ nhiều nơi khác tìm về mua sản phẩm tại ruộng. Sau đó họ phân phối lại cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Môn trồng tại địa phương ngon nổi tiếng, củ môn bở, ăn rất thơm, tốt cho sức khỏe nên nhiều người yêu thích. Sau khi trừ chi phí công lao động và tiền mua phân bón, giống thì phần lợi nhuận cũng khá cao, giúp người dân có thêm chi phí để trang trải cuộc sống và tái đầu tư.
Cây môn cũng là loại cây trồng đang bén rễ và phát triển tươi tốt trên vùng đất cát bạc màu tại xã Vĩnh Thái. Trong đó, cây môn nịch là một trong những loại cây trồng ưu tiên đưa vào cơ cấu sản xuất, trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ 6 ha môn nịch trồng thử nghiệm ban đầu ở các thôn: Đông Luật, Thử Luật, hiện toàn xã Vĩnh Thái đã phát triển trên 60 ha trồng môn nịch với sự tham gia của trên 200 hộ dân. Đặc biệt, năm 2023, xã được sự hỗ trợ từ kinh phí Tiểu hợp phần 3 “Các gói đầu tư tạo lợi ích từ rừng ven biển” của dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển” (FMCR) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Với sự đồng hành của Trung tâm Khuyến nông, đơn vị chỉ đạo kỹ thuật các gói sinh kế nông nghiệp đã triển khai mô hình trồng môn nịch theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm trên 2 ha đất cát tại thôn Tân Hòa. Đây cũng là lần đầu tiên mô hình thực hiện tại địa phương với phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ và trồng trái vụ.
Qua quá trình triển khai, mô hình cho kết quả cao và mang lại “hiệu quả kép” cho người dân khi vừa thu hoạch sản phẩm chính là củ môn (củ cái), vừa thu được củ con và thân cây môn. Hiện mô hình vẫn đang được người dân địa phương tiếp tục duy trì sản xuất trong năm 2025.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vĩnh Linh Diệp Hồng Cương thông tin, đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh có gần 500 ha môn các loại. Giá trị kinh tế ngày càng cao hơn hẳn so với một số cây trồng ngắn ngày khác nên nhiều địa phương, nhất là những xã vùng Đông của huyện tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất cây môn theo hướng hàng hóa.
Tuy cây môn đã được nông dân huyện Vĩnh Linh trồng từ lâu và được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng nhưng hiện nay, việc phát triển loại cây này vẫn chưa bài bản, giá cả còn phụ thuộc thương lái, sản lượng không đồng đều giữa các địa phương...
Để người dân yên tâm trồng cây môn, trong thời gian tới, chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp cần tiếp tục có phương án hỗ trợ về kỹ thuật, biện pháp phòng trừ sâu hại, đặc biệt cần định hướng, có phương án hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân nhằm phát triển loại cây trồng này thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu, nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích.
Thu Hạ
Nguồn: https://baoquangtri.vn/duy-tri-va-mo-rong-dien-tich-trong-mon-theo-huong-hang-hoa-o-huyen-vinh-linh-193924.htm
Bình luận (0)