Người được nhắc đến chính là giáo sư, tiến sĩ khoa học, nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc (1932-2006), quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Năm 1953, ông gia nhập lực lượng điệp báo của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Sau đó ông vào Sài Gòn hoạt động và hai năm sau ông lấy được học bổng du học Pháp.
Sau 10 năm đèn sách ở Paris, với trí thông minh xuất chúng, Nguyễn Đình Ngọc tốt nghiệp với 3 bằng kỹ sư về các ngành khác biệt nhau: Thủy văn - Khí tượng, Đóng tàu và Viễn thông. Sau đó, ông tiếp tục nhận được hai bằng tiến sĩ về Địa lý và Toán học, trở thành người Việt Nam hiếm hoi làm giáo sư giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng của Pháp.

Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc trong dịp chúc mừng nhân dịp 70 tuổi (năm 2002). (Ảnh: Phạm Quang)
Giữa năm 1966, ông về nước, trở thành giáo sư trường Đại học Khoa học Sài Gòn và thỉnh giảng ở nhiều trường đại học của miền Nam. GS Nguyễn Đình Ngọc từng kể, thời đó lương giáo sư có thể mua ô tô, nhưng ông lúc nào cũng chọn đường một chiều, và đi bộ ngược dòng xe.
Trước khi đến điểm hẹn với cấp trên, ông thường đi bộ hơn chục cây số. Việc đi bộ và ngược dòng xe vừa giúp cắt đuôi những kẻ theo dõi, vừa giúp có cơ hội nhìn vào kính của ô tô đang đi tới để biết liệu có kẻ nào theo dõi không.
Say mê khoa học, nhưng Nguyễn Đình Ngọc không phút giây nào quên nhiệm vụ. Do mối quan hệ công việc và xã hội, GS Nguyễn Đình Ngọc cung cấp được nhiều thông tin quan trọng, kịp thời và chính xác cho cấp chỉ huy như:
Báo trước 72 giờ cho Trung ương Cục Miền Nam kịp thời sơ tán tránh được cuộc hành quân càn quét lớn vào căn cứ ở vùng “lõm” phía bắc Sài Gòn vào đầu năm 1970; báo trước cuộc đảo chính của Lon Nol lật đổ Hoàng thân Sihanouk (Campuchia), hay chính phủ mới thân Mỹ sẽ không để yên cho cơ quan đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đóng "nhờ" trên đất Campuchia.
Nhờ những thành tích xuất sắc, sau năm 1975, Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn mời GS Nguyễn Đình Ngọc ra miền Bắc, giao công tác tiếp cận các hệ thống máy tính của Mỹ để lại và tiếp nhận các hệ thống máy tính mới của Liên Xô.
Từ 1989-1994, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó Cục trưởng, rồi Cục trưởng Cục V17 (Cục Khoa học Viễn thông và Tin học, nay là Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an). Ông là người đặt nền móng và phát triển có hiệu quả nhất mạng thông tin tin học, viễn thông trong lực lượng Công an nhân dân.
Năm 1994, ông được nhà nước Việt Nam phong hàm Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam.
Nguồn: https://vtcnews.vn/giao-su-toan-hoc-duy-nhat-o-viet-nam-la-tuong-tinh-bao-noi-tieng-ar945128.html
Bình luận (0)