Đây là một trong những nguyên nhân khiến đột quỵ trở thành bệnh gây tử vong hàng đầu, đồng thời để lại gánh nặng tàn tật cho người bệnh.
Theo thông tin từ Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), đột quỵ do cục máu đông hoặc mảng bám ở mạch máu làm mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ khiến cho các tế bào não bị chết đột ngột do thiếu ô xy.
“Giờ vàng” trong điều trị đột quỵ là 3 đến 6 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Sở dĩ người bị đột quỵ cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt vì đây là cuộc chạy đua để bảo vệ tế bào não. Cấp cứu chậm mỗi phút tức là có tới 2 triệu tế bào não của bệnh nhân đang bị chết đi. Càng được cấp cứu sớm thì càng giảm tỷ lệ tế bào chết, cơ hội sống càng cao và giảm di chứng của người bệnh.
Trong khoảng thời gian “giờ vàng”, các biện pháp can thiệp như dùng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học có thể giúp tái thông mạch máu não bị tắc nghẽn, cứu tế bào não khỏi chết và phục hồi chức năng vận động, nhận thức.
Mặc dù cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cần được ưu tiên trong khung "giờ vàng" nhưng thực tế, có không ít bệnh nhân bị bỏ lỡ do nhiều nguyên nhân.
Để giúp người dân nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, các chuyên gia y tế đưa qua quy tắc FAST. Cụ thể, F(Face) khuôn mặt bị xệ xuống một bên, méo miệng; A(Arms) tay hoặc chân bị yếu liệt một bên; S(Speech) nói ngọng, khó nói hoặc không hiểu lời; T(Time) thời gian cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu nhanh nhất hoặc gọi xe cấp cứu sớm nhất đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.
Các bệnh viện hiện đại tại Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Thanh Nhàn... đều có đơn vị đột quỵ chuyên biệt, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị trong khung giờ vàng. Lưu ý, người dân tuyệt đối không cạo gió, cho uống thuốc hạ huyết áp hay chờ đợi bệnh nhân tự hồi phục.
hanoimoi.vn
Nguồn: https://baolaocai.vn/gio-vang-cap-cuu-dot-quy-post648660.html
Bình luận (0)