Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hồ Ka Pét - mắt xích đặc biệt

Khi nghe thông tin tháng 12/2025 sẽ khởi công hồ Ka Pét và tiếp theo đường Mỹ Thạnh - Đông Giang cũng có thể được xây dựng, ông lặng đi. Những người dân khác ở đây cũng thế, lặng nhìn tôi như hỏi: Có thật không?

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng16/07/2025

“Điểm ngắt” lịch sử

“Có 1 con đường nối từ hồ Ka Pét qua đường lên trung tâm tỉnh”, - bác hưu trí sau khi đi hết các ngã thuộc xã Mỹ Thạnh trước kia, (giờ là xã Hàm Thạnh) đã nhắc đi nhắc lại câu nói ấy. Trong trí nhớ của ông của nhiều năm trước xa là có 1 con đường được quy hoạch xây dựng để dân Mỹ Thạnh qua Đông Giang và Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ là điểm cuối. Bây giờ, khu di tích ấy đã được tôn tạo xây dựng thành điểm du lịch về nguồn nổi tiếng nhưng tại điểm cuối này chưa thấy lối nào dẫn đến điểm đầu. Thế nên, hôm nay, ông đi tìm điểm đầu… Trong cảm nhận của người đi nhiều, khi các tuyến đường đã xuất hiện có liên quan đến khu vực này, ông đã vỡ òa phát hiện về 1 sự kết nối bất ngờ. Nếu có con đường ông đang tìm thì sẽ có thêm 1 tuyến đường nữa thông suốt từ trung tâm hành chính tỉnh xuống các khu du lịch ven biển và cũng đồng thời mở ra 1 tuyến du lịch kết nối rừng và biển. Chẳng phải từ trung tâm tỉnh theo ra quốc lộ 55 qua ĐT 714 thuộc xã Đông Giang rẽ vào Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận, tới hồ Ka Pét rồi ra cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xuống quốc lộ 1A tại km 14 Hàm Kiệm, trước khi trôi về phía biển chỉ cách 10 km thôi sao...

Đường Đt 714 qua xã Đông Giang, Lâm Đồng
Đường ĐT 714 qua xã Đông Giang, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Ngọc Lân

Ông say sưa nói, trong khi chúng tôi chưa hình dung ra, khi hồ Ka Pét và con đường nào đó mang tính kết nối 2 phía: Rừng và biển chưa xây dựng. Tôi đem điều đó hỏi xã và các nơi liên quan rồi mơ hồ nhận ra vùng đất này có những “níu kéo” đều liên quan đến rừng. Trước hết là tuyến đường mà bác hưu trí nói là có thật, tên là đường Mỹ Thạnh đi Đông Giang được UBND tỉnh Bình Thuận cũ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 2984/QĐ-UBND ngày 29/10/2015. Các bước tiếp theo cũng đã xây dựng và phác họa ra con đường sỏi dài 15,3 km... Năm 2018, chủ đầu tư triển khai các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên, thời điểm này dự án Hồ chứa nước Ka Pét nằm gần đó cũng đang được thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Có nghĩa 2 dự án triển khai song song nên cần chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và phải bố trí diện tích đất khá lớn để thực hiện trồng rừng thay thế. Trong tình cảnh đó, tỉnh quyết định ưu tiên thực hiện trước dự án Hồ chứa nước Ka Pét để giải quyết nhu cầu bức xúc về nguồn nước cho dân, mà vì lắm lý do đã kéo dài nhiều năm qua. Quốc hội thống nhất đầu tư. Các trình tự thủ tục diễn ra suôn sẻ, chuẩn bị khởi công dự án.

Cánh đồng lúa ở xã Hàm Thạnh không có nước để sản xuất trong mùa khô 1
Cánh đồng lúa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Hàm Thạnh không có nước để sản xuất trong mùa khô. Ảnh: Ngọc Lân

Thế nhưng, đùng một cái, năm 2023 có "làn sóng" xới lên rằng không nên đánh đổi rừng để làm thủy lợi. Bất chấp hàng nghìn đồng bào Rắc Lây, K’Ho, vì thiếu nước sản xuất nên phải sống trong cảnh đói giáp hạt, mong chờ cứu viện trong suốt 50 năm qua. Bất chấp không biết gì về kế hoạch nối mạng thủy lợi ở vùng đất khô hạn mà nếu thiếu một hồ, được ví như mắt xích là mọi việc sẽ không thành. Bất chấp chưa 1 lần ghé vùng Hàm Thạnh để biết, rừng khộp ở đây vào mùa khô phải rụng hết lá để tránh bốc hơi, nhằm bảo toàn chút “sức lực” còn lại, chờ trời mưa xuống cho hồi sinh. Thế mà…

Bà con dân tộc thiểu số ở xã Hàm Thạnh, Lâm Đồng thu hoạch bắp lai 1
Bà con dân tộc thiểu số ở xã Hàm Thạnh, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch bắp. Ảnh: Ngọc Lân

Cần 1.808 ngày cho Ka Pét xuất hiện

Thời điểm này, sau những cơn mưa rào, rải từ tháng 6 đến nay, cây rừng xã Hàm Thạnh đã lún phún lá xanh vội vàng. Người dân Rắc Lây, K’Ho trên vùng đất này cũng thế, nhộn nhịp ra vùng sản xuất, vốn dĩ đã bỏ trống suốt 6 tháng qua, để cày ải chờ mưa nhiều xuống giống bắp, mì. Nét mặt ai cũng giãn ra theo kiểu thở phào, vì đã vượt qua thêm 1 mùa hạn nữa. Mùa khô này có đỡ căng hơn. Nhưng mới tháng 4, các hồ thủy lợi dưới đồng bằng thuộc huyện Hàm Thuận Nam cũ đều đã căng kéo chuyển nước sản xuất để sẻ chia. Tháng 5, vài hồ cạn. Đã xảy ra hạn cục bộ. Huống chi trên vùng cao này. Tôi đi theo con đường mà mùa khô năm ngoái từng đi. Lúc ấy, mới giữa tháng 3 thôi đã bước vào đỉnh hạn, sông Linh đã cạn, người dân thiếu nước sinh hoạt, phải cứu trợ... Chuyện không mới ở đây.

Sông Linh đoạn chảy qua xã Hàm Thạnh cạn trơ đáy trong mùa khô
Sông Linh đoạn chảy qua xã Hàm Thạnh cạn trơ đáy trong mùa khô. Ảnh: Ngọc Lân

“Có mới là sau khi sáp nhập 3 xã (Mỹ Thạnh, Hàm Cần và Hàm Thạnh), trung tâm hành chính xã đặt tại Hàm Thạnh. Dân đang trông ngóng hồ Ka Pét, chỉ khi có nước thì nơi đây mới đổi khác thôi”! - ông Lê Hà Lưu, người Rắc Lây gần 70 tuổi, nói. Ông Lưu trước là giáo viên rồi làm Phó Chủ tịch HĐND xã Mỹ Thạnh và các chức vụ khác bên Đảng trước khi về hưu nên tâm huyết muốn đổi thay quê hương rất lớn. Cứ nói về hồ Ka Pét là ông nhớ như in từng chặng trong khoảng 20 năm chờ đợi. Thế nên, khi nghe thông tin tháng 12/2025 sẽ khởi công hồ Ka Pét và tiếp theo đường Mỹ Thạnh – Đông Giang cũng có thể được xây dựng, ông lặng đi. Những người dân khác ở đây cũng thế, lặng nhìn tôi như hỏi: Có thật không?

dsc_0017.jpg
Rừng tự nhiên ở Hàm Thạnh vào mùa mưa. ảnh: Ngọc Lân

Cũng không khó hiểu cho sự ngờ vực ấy, vì sau “sự cố” năm 2023, các cấp, sở ngành liên quan đã rà soát, tập trung thực hiện các bước chặt chẽ. Sau khi UBND tỉnh Bình Thuận cũ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ Ka Pét vào tháng 3/2025, cuối tháng 4 chủ đầu tư đã có báo cáo dự kiến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân dự án hồ Ka Pét với thời gian thực hiện trong 1.808 ngày, tức đến tháng 6/2028. Ngay năm 2025, vốn bố trí cho dự án hồ Ka Pét gần 243 tỷ đồng, trong đó dành cho tạm ứng 30% giá trị hợp đồng, kinh phí trồng rừng thay thế…

Thế nên, những ngày này, các đơn vị tham gia trồng rừng thay thế với tổng diện tích 1.845 ha, gấp 3 lần diện tích rừng tự nhiên phải khai thác để xây dựng hồ Ka Pét, đang gấp rút chạy đua với thủ tục và với thời gian trời đổ mưa nhiều. Trong khi đó, dự án đường Mỹ Thạnh đi Đông Giang với quy mô nâng cấp lên từ 2 - 4 làn xe, có trong quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng đang được chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phù hợp nhu cầu thực tế. Điều khó nhất là vướng rừng, đất rừng, lý do khiến tuyến đường không được xây dựng trước đó thì giờ không còn là nỗi lo, vì sau sáp nhập, Lâm Đồng có tỷ lệ rừng che phủ lớn. Nếu được chấp thuận, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2026-2030, kết nối và mở ra 1 tuyến đường thông từ trung tâm tỉnh xuống vùng ven biển như bác hưu trí đã nói. Lúc này, hồ Ka Pét cũng đã hình thành, trở thành một mắt xích đặc biệt không chỉ trong nối mạng thủy lợi mà còn trong hành trình đi lại, tham quan… của người dân, du khách. Tôi bỗng thấy vui, khi nghĩ đến người Rắc Lây, K'Ho ở đây có thêm nghề làm dịch vụ du lịch...

Theo quy định về đầu tư xây dựng hiện hành, dự án hồ Ka Pét sẽ kết thúc vào ngày 5/6/2028. Có 119 hoạt động với 8 nhóm chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau phải thông qua. Nổi lên là các công việc liên quan đến lâm nghiệp, có đến 33 hoạt động với tổng 604 ngày, bắt đầu ngày 14/2/2025, dự kiến hoàn thành ngày 22/9/2026. Hay công tác kết thúc dự án có tổng 867 ngày, bắt đầu ngày 20/1/2026, dự kiến hoàn thành ngày 5/6/2028… Kế hoạch trên đã trình các bộ liên quan và Chính phủ sẽ trình Quốc hội…

Nguồn: https://baolamdong.vn/ho-ka-pet-mat-xich-dac-biet-382540.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm