Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hội đồng Anh: Cầu nối nghệ thuật, văn hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh

Nghệ thuật không chỉ là sáng tạo mà còn thúc đẩy kinh tế, bảo tồn di sản và tạo thay đổi xã hội. Tại Việt Nam, Hội đồng Anh đóng vai trò kết nối các nghệ sĩ, tổ chức các hoạt động nghệ thuật, hỗ trợ các sáng kiến phát triển văn hóa một cách bền vững và đổi mới.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên27/05/2025

Nghệ thuật: Cầu nối văn hóa giữa Việt Nam - Vương quốc Anh

Khi khoảng cách địa lý dần được thu hẹp bởi sự đồng điệu trong sáng tạo, văn hóa - nghệ thuật đã trở thành nhịp cầu gắn kết Việt Nam và Vương quốc Anh, mở ra những hành trình hợp tác vượt qua mọi ranh giới. Xuyên suốt nhiều năm, Hội đồng Anh đã không ngừng nỗ lực tạo dựng những cơ hội kết nối quý giá, nơi các tài năng nghệ thuật từ Việt Nam và Vương quốc Anh có thể gặp gỡ, trao đổi ý tưởng sáng tạo và phát triển các dự án hợp tác đầy tiềm năng.

Chương trình Kết nối thông qua văn hóa (CTC) nổi bật như một minh chứng rõ nét cho sự hợp tác này. Đây là sáng kiến tài trợ của Hội đồng Anh nhằm thúc đẩy hợp tác nghệ thuật giữa Vương quốc Anh và các quốc gia được lựa chọn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Năm 2024, chương trình đã tài trợ hơn 741.000 bảng Anh cho 84 dự án hợp tác, trong đó có 10 dự án hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ, chuyên gia văn hóa và tổ chức nghệ thuật xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững thông qua các dự án sáng tạo liên ngành. Năm 2025, chương trình sẽ mở rộng sang 19 quốc gia (bao gồm Việt Nam), với số suất tài trợ dự kiến lên đến khoảng 90 suất, mỗi suất lên tới 10.000 bảng Anh.

Hội đồng Anh: Cầu nối nghệ thuật, văn hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh- Ảnh 1.

Vườn ươm nhạc sống Việt Nam - Vương quốc Anh 2024/2025 được hỗ trợ bởi chương trình Kết nối thông qua văn hóa

Ảnh: Vietnam Music Week

Nghệ thuật - đòn bẩy cho sự thay đổi và tăng trưởng tổng thể

Không dừng lại ở vai trò kết nối, nghệ thuật - dưới góc nhìn chiến lược - còn được nhìn nhận như một đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo việc làm và khơi nguồn đổi mới sáng tạo cho toàn xã hội. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.

Hiểu rõ mục tiêu này của Việt Nam, đồng thời là đối tác chiến lược của Việt Nam, Hội đồng Anh vẫn luôn tập trung chia sẻ kinh nghiệm từ thành công của ngành công nghiệp sáng tạo Vương quốc Anh, cũng như đồng hành cùng các cơ quan quản lý trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Hội đồng Anh đã khởi xướng sáng kiến cập nhật bản đồ hệ sinh thái ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, cung cấp cái nhìn tổng thể phục vụ hoạch định chính sách, tăng cường kết nối và phát huy tiềm năng ngành. Sáng kiến này đã giới thiệu hồ sơ các Thành phố văn hóa của Việt Nam, bao gồm Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt và TP.HCM.

Hội đồng Anh: Cầu nối nghệ thuật, văn hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh- Ảnh 2.

Các bản đồ của Hội đồng Anh về giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam

Nguồn ảnh: Việt Nam Cutural Cities Profiles

Một phần quan trọng trong cách tiếp cận chiến lược của Hội đồng Anh là chương trình "Di sản văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều". Triết lý này nhìn nhận di sản văn hóa - từ các công trình kiến trúc đến những truyền thống phi vật thể như âm nhạc hay ngôn ngữ - vừa như một tài sản cần bảo tồn, vừa là nguồn lực phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là cho các cộng đồng địa phương.

Thông qua cách tiếp cận này, Hội đồng Anh hướng đến mục tiêu xóa bỏ mối quan hệ đối nghịch giữa phát triển kinh tế và khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo lợi ích từ ngành công nghiệp văn hóa được phân phối đồng đều giữa các nhóm xã hội và khu vực địa lý khác nhau.

Dự án Di sản Kết nối (Heritage of Future Past) là minh chứng tiêu biểu cho triết lý đó. Sáng kiến này của Hội đồng Anh đã tạo ra tác động sâu rộng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống và phim tư liệu. Dự án tập trung vào việc lưu giữ các giá trị văn hóa, đồng thời thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương, kết nối di sản với nghệ thuật đương đại.

Dự án được triển khai qua hai hướng: Di sản Văn hóa Cộng đồng và Phim, nhạc và lưu trữ (FAMLAB). Hướng thứ nhất tập trung vào bảo tồn di sản trong các cộng đồng mục tiêu, trong khi hướng thứ hai tiếp cận ngành công nghiệp sáng tạo thông qua các nghệ sĩ, nhằm thúc đẩy các tác phẩm hợp tác gắn kết với di sản thông qua phương thức biểu đạt đương đại.

Hội đồng Anh: Cầu nối nghệ thuật, văn hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh- Ảnh 3.

Đào tạo kỹ thuật dệt truyền thống tại Hòa Tiến, Nghệ An trong khuôn khổ chương trình Văn hóa đóng góp giải quyết thử thách toàn cầu

Ảnh: Cao Trung Vinh

Trải qua hơn 30 năm, Hội đồng Anh đã trở thành cầu nối văn hóa quan trọng giữa Việt Nam - Vương quốc Anh, tạo nên không gian đối thoại sáng tạo liên tục giữa hai nền văn hóa. Nhìn về tương lai, các sáng kiến của Hội đồng Anh hứa hẹn tiếp tục tạo ra tác động sâu rộng, kết nối di sản phong phú với năng lực sáng tạo đương đại, đồng thời trang bị cho thế hệ trẻ những năng lực cần thiết để góp phần vào sự phát triển bền vững.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoi-dong-anh-cau-noi-nghe-thuat-van-hoa-giua-viet-nam-va-vuong-quoc-anh-185250526184411201.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm