Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khởi nghiệp với nghề chưng cất tinh dầu tràm

Chị Trần Thị Thu Hương là một trong số rất ít người trẻ ở xã Tân Tây còn theo nghề chưng cất tinh dầu tràm. Chị mong muốn gìn giữ và phát triển cái nghề đã tồn tại hàng chục năm của quê mình.

Báo Long AnBáo Long An20/07/2025

Tại cuộc thi Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2025 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An (cũ) tổ chức, sản phẩm tinh dầu tràm của chị Trần Thị Thu Hương đã chinh phục được Ban Giám khảo và được trao giải nhất. Chị Thu Hương là một trong số rất ít người trẻ ở xã Tân Tây, tỉnh Tây Ninh ngày nay còn theo nghề chưng cất tinh dầu tràm với mong muốn gìn giữ và phát triển cái nghề của quê mình, nhưng đang bị mai một.


Chị Trần Thị Thu Hương trồng cây tràm gió để luôn có sẵn nguồn nguyên liệu chưng cất tinh dầu

Theo ông Nguyễn Văn Tám, một người dân xã Tân Tây, nghề chưng cất tinh dầu tràm xuất hiện ở đây từ những năm 80 - 90 của thế kỷ XX. Ban đầu chỉ có những người Huế di cư vào đây, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có là cây tràm gió để nấu tinh dầu, rồi người địa phương học và làm theo. Khi đó, rừng tràm gió ở Đồng Tháp Mười còn bạt ngàn nên nghề nấu tinh dầu tràm rất phát triển.

Sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung là chủ yếu. Nhưng việc khai khẩn đất hoang để trồng lúa hoặc các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn đã làm diện tích rừng tràm gió giảm mạnh. Không còn nguồn nguyên liệu, các hộ nấu tinh dầu cũng dần bỏ nghề.

Khi thấy nghề nấu tinh dầu tràm hàng chục năm của gia đình có nguy cơ không thể tiếp tục vì khó tìm nguồn nguyên liệu, chị Thu Hương cùng chồng là anh Nguyễn Tất Tạo nghĩ cách để duy trì nghề này. Vợ chồng chị đi tìm những cây tràm gió rừng còn sót lại, lấy hạt về gieo trồng để tạo nguồn nguyên liệu ổn định.

Anh Nguyễn Tất Tạo cho biết, cây lên ngang vai, lá dày, có màu xanh đậm là đã có thể khai thác để nấu tinh dầu, trung bình những lần cắt cách nhau 2 đến 3 tháng.


Khi tràm cao ngang vai là đã có thể cắt làm nguyên liệu 

Có nguồn nguyên liệu, chị Thu Hương quyết định xây lò nấu tinh dầu lớn hơn thay cho việc sử dụng thùng phuy như cách người dân trước đây đã làm. Hiện tại, với lò chưng cất mới được đầu tư, một lần chị có thể sử dụng từ 800kg đến 1 tấn nguyên liệu. Sau 6 - 7 tiếng, sẽ thu được 1,5 lít – 2 lít tinh dầu tùy theo thời gian sinh trưởng của tràm nguyên liệu.

Sau khi việc chưng cất tinh dầu ổn định, chị Thu Hương chủ động tìm nơi tiêu thụ. Tự tin với chất lượng tinh dầu tràm nguyên chất 100%, chị đến các nhà thuốc, cửa hàng chuyên bán sản phẩm cho mẹ và bé để giới thiệu. Ngoài ra, chị còn bán hàng thông qua trang mạng xã hội như zalo, tiktok, facebook. Điều phấn khởi là đầu năm 2025, sản phẩm tinh dầu tràm của chị đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.


Tinh dầu nguyên chất 100%, đạt chứng nhận OCOP 3 sao là điều giúp chị Thu Hương tự tin khi giới thiệu sản phẩm cho các nhà thuốc, cửa hàng

Có thương hiệu, có mẫu mã đặc trưng để nhận diện, điều này giúp tinh dầu tràm của chị Hương dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng. Chị Ngô Phương Diễm, chủ một cửa hàng mẹ và bé ở xã Mỹ Thạnh cho biết: “Thời gian đầu mới nhận hàng về bán, nhiều mẹ bỉm còn e ngại, nhưng sau đó các chị tiếp tục mua để sử dụng. Sản phẩm tinh dầu tràm Gái Chiến của chị Thu Hương thơm lâu, giữ ấm cho bé rất tốt mà không làm nóng da của bé”.

Được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm là động lực cho chị Thu Hương lên kế hoạch phát triển sản phẩm trong tương lai, đồng thời, nâng cấp quy trình sản xuất. “Điều này không chỉ là vì kinh tế mà em còn muốn gìn giữ nghề của gia đình, của địa phương. Mong sao mùi tinh dầu tràm quen thuộc vẫn tỏa hương trên quê mình” – chị Thu Hương chia sẻ./.

Yến Mai - Văn Tài

Nguồn: https://baolongan.vn/khoi-nghiep-voi-nghe-chung-cat-tinh-dau-tram-a199075.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm