Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lý do bản Di chúc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dòng chữ Tuyệt đối bí mật

Trong không gian trưng bày riêng "Bác Hồ viết Di chúc" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, khách tham quan có thể bắt gặp Bút tích Di chúc của Bác Hồ viết cuối năm 1968.

Báo Lao ĐộngBáo Lao Động18/05/2025

Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh không phải là bản gốc Di chúc.

Tuy nhiên, đây là bản sao lưu trực tiếp từ bản gốc - hiện đang được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối năm 1968. Ảnh: Việt Văn

Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản viết cuối năm 1968 trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Văn

Theo tư liệu của bảo tàng, đầu những năm 60 của thế kỷ 20, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ngày càng ác liệt. Sau thất bại trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Đế quốc Mỹ điên cuồng thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam và "Chiến tranh phá hoại" miền Bắc lần thứ nhất.

Trước tình hình ngày càng căng thẳng, vào tháng 3 năm 1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã tổ chức Hội nghị lần thứ 11, hạ quyết tâm đánh bại quân xâm lược. Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm thấy sức khỏe của chính mình giảm xuống rõ rệt.

Ngày 10.5.1965, Bác Hồ đặt bút viết văn bản đặc biệt, được Bác gọi là “Mấy lời để lại” hay "Mấy lời... tóm tắt vài việc". Đây cũng là bản Di chúc của Người.

Tái hiện cảnh Bác Hồ viết Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Văn

Tái hiện cảnh Bác Hồ viết Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Văn

Trong cuốn hồi ký "Càng nhớ Bác Hồ" (NXB Thanh Niên, 1999), tác giả Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác lúc sinh thời đã kể lại về ngày đầu tiên Bác viết Di chúc đó.

Ông viết: “Đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã suy ngẫm từ lâu. Phòng làm việc trên nhà sàn yên tĩnh. Gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn... Chính vào giờ phút đó Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào Tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau”.

Không muốn mọi người phải lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình, đặc biệt trong hoàn cảnh cả nước kháng chiến, những dòng đầu tiên, Bác ghi rõ viết "Nhân dịp 75 tuổi". Bên lề trái của văn bản, Bác cũng để lại dòng ghi chú "Tuyệt đối bí mật".

Sau khi hoàn thành bản Di chúc đầu tiên ngày 14.5.1965, Bác cho vào phong bì. 21h hôm đó, Bác giao phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và nói: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.

Từ đó, trước mỗi dịp sinh nhật mỗi năm, Bác đều duy trì viết, sửa chữa, bổ sung Di chúc.

Bản di chúc được Bác viết từ ngày 10.5.1965 - 19.5.1969, đúng ngày sinh nhật của Bác.

Theo đồng chí Vũ Kỳ, trong suốt quãng thời gian đó, Bác đã dành ra 28 buổi, phần lớn mỗi buổi khoảng 2 tiếng rưỡi để viết Di chúc.

Sau khi Bác mất, ngày 9.9.1969, trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xúc động công bố bản Di chúc của Bác. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh được ghép từ các bản Di chúc mà Bác đã viết, sửa và bổ sung hoặc thay thế trước đó.

Di chúc Hồ Chí Minh - Bản in đặc biệt phục vụ Lễ Quốc tang năm 1969. Ảnh: Việt Văn

Di chúc Hồ Chí Minh - Bản in đặc biệt phục vụ Lễ Quốc tang năm 1969 trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Văn

Tất cả những chi tiết về các bản Di chúc vẫn được giữ bí mật cho đến năm 1989, khi điều kiện cho phép, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) mới chính thức công bố đầy đủ.

Ngày 19.8.1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký ban hành Thông báo số 151-TB/TW, thông báo về một số vấn đề liên quan đến Di chúc của Bác và ngày Bác qua đời.

Theo đó, năm 1965, Bác viết bản Di chúc gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15.5.1965. Bản Di chúc có chữ ký của Bác và đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ.

Thông báo nêu rõ: "Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm sáu trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói "về việc riêng" đã viết trong bản năm 1965, và viết thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như: Chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước…

Ngày 10.5.1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Các năm 1966, 1967, Bác không có những bản viết riêng”.

Hiện tại, bản gốc Di chúc của Bác trở thành Bảo vật quốc gia, đang được lưu giữ tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản theo chế độ đặc biệt.

Laodong.vn

Nguồn:https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/ly-do-ban-di-chuc-dau-tien-cua-chu-tich-ho-chi-minh-co-dong-chu-tuyet-doi-bi-mat-1508077.ldo



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm