Mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp của HTX Tiến Dũng ở xã Thạnh Phú, TP Cần Thơ.
Nông dân hưởng lợi
Từ năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan và 5 địa phương vùng ÐBSCL thực hiện 7 mô hình thí điểm triển khai quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp với diện tích 50 ha/mô hình trong 2 vụ hè thu và thu đông 2024. Kết quả, các mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp đã giúp mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế và môi trường. Nông dân đã giảm mạnh được chi phí sản xuất đầu vào nhờ giảm chi phí nhân công, giảm lượng giống 30-50%, giảm lượng phân bón hóa học 30-70%, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và giảm 30-40% lượng nước tưới. Năng suất lúa tăng 2,4-7%, thu nhập của nông dân tăng 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Giảm phát thải khí nhà kính trung bình tương đương 2-12 tấn CO2/ha. Lúa tại nhiều mô hình được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ vụ hè thu 2025, tiếp tục triển khai 6 mô hình thí điểm (trừ mô hình lúa tôm) và mở rộng thêm 5 mô hình mới để tiếp tục thực hiện quy trình canh tác giảm phát thải, đồng thời phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Ngân hàng Thế giới (WB) thí điểm quy trình đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV). Kết quả bước đầu cho thấy, việc triển khai MRV khá thuận lợi, được người dân và chính quyền địa phương hưởng ứng, đánh giá cao. Dự kiến cuối tháng 8, đầu tháng 9-2025 sẽ kết thúc thu hoạch lúa ở các mô hình và có kết quả chính thức.
Cùng với các mô hình thí điểm do bộ, ngành Trung ương chủ trì thực hiện, từ các vụ lúa đông xuân và hè thu năm 2025, các địa phương đã chủ động triển khai hơn 100 mô hình thí điểm, với tổng diện tích hơn 4.518ha. Kết quả, nông dân đã giảm được nhiều chi phí sản xuất đầu vào, trong khi năng suất và chất lượng lúa vẫn đạt tốt, từ đó hiệu quả sản xuất và lợi nhuận của nông dân tăng lên đáng kể.
Ông Nguyễn Danh Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Dũng ở xã Thạnh Phú, TP Cần Thơ, cho biết: “Từ vụ đông xuân 2024-2025, nông dân tại HTX đã được ngành chức năng hỗ trợ và tạo điều kiện tham gia thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, với diện tích 50ha và có 20 hộ dân tham gia. Mô hình đã giúp nông dân đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, cơ giới gắn với việc hỗ trợ nông dân và HTX thực hiện liên sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Qua đó, giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc BVTV, cùng nhiều loại vật tư đầu vào và khai thác sử dụng hiệu quả rơm rạ, giúp giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng và giá bán của lúa gạo. Lợi nhuận của nông dân có thể tăng thêm hơn 5 triệu đồng/ha”.
Theo ông Trần Văn Ðời, ở xã Trường Xuân, TP Cần Thơ, từ vụ đông xuân 2024-2025, ông đã tham gia mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp, kết quả là ruộng lúa không chỉ đạt năng suất, chất lượng tốt mà còn giảm được nhiều chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV và nước tưới. Ðồng thời, giảm nhân công lao động do áp dụng cơ giới, giảm số lần bón phân và phun thuốc, từ đó vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính, vừa tăng được lợi nhuận ít nhất 20% so với phương pháp canh tác truyền thống. Việc áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất theo Ðề án 1 triệu héc-ta lúa, nhất là áp dụng kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ cũng giúp cây lúa chắc khỏe, có bộ rễ ăn sâu vào đất, ít bị đổ ngã.
Quan tâm tháo gỡ khó khăn
Ðến nay, việc triển khai thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa vẫn còn gặp các khó khăn và trở ngại, nhất là khi nước ta là một trong các quốc gia đầu tiên thực hiện giảm phát thải trên lúa, các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ để tham khảo. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực cho các HTX và các bên có liên quan; khuyến khích và thúc đẩy nông dân, các HTX liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi để triển khai thực hiện đề án.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến nay đã xác định được danh sách gần 200 doanh nghiệp tham gia Ðề án 1 triệu héc-ta lúa, trong đó khoảng 40% là các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản quy mô liên kết từ 200ha trở lên. Ðồng thời, đã xác định các HTX và tổ hợp tác tham gia, trong đó có 620 HTX giai đoạn 1 và khoảng 1.300 HTX đến năm 2030.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng, cập nhật hệ thống dữ liệu thông tin của 620 HTX đã tham gia Ðề án, tạo nền tảng cho việc kết nối, hỗ trợ và giám sát quá trình triển khai. Qua đó, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành lúa gạo. Ðồng thời phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng và triển khai chương trình tín dụng ưu đãi để thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa và thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Phối hợp xây dựng nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” và đã xuất khẩu 500 tấn gạo mang nhãn hiệu này vào thị trường Nhật Bản...
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết đến vụ lúa hè thu 2025, tổng diện tích lúa được các tỉnh, thành vùng ÐBSCL đăng ký tham gia Ðề án 1 triệu héc-ta lúa là 312.000ha, tăng hơn so với kế hoạch đến năm 2025 trong đề án 200.000ha. Tuy nhiên, trong 312.000ha này, không phải tất cả đều thực hiện đầy đủ các quy trình canh tác bền vững theo gói kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp, mà có những địa phương mức độ triển khai mới ở 1 phần trong quy trình canh tác.
Theo ông Trần Thanh Nam, nguyên nhân do còn vướng ở việc rút nước trong quy trình tưới ướt, khô xen kẽ, theo quy trình phải rút nước 3 lần nước, nhưng hệ thống thủy lợi tại địa phương còn chưa đảm bảo cho việc thực hiện việc này. Mặt khác, việc thu gom, xử lý rơm rạ còn gặp khó do lượng rơm quá lớn, có nơi còn đốt đồng. Ðể giải quyết vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã quan tâm làm việc với tập đoàn điện lực và các đơn vị có liên quan nhằm thúc đẩy đầu tư các nhà máy điện sinh khối sử dụng nguyên liệu trấu và rơm; tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền thực hiện dự án hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ÐBSCL và đề xuất vay vốn từ WB.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/nhan-rong-mo-hinh-canh-tac-lua-chat-luong-cao-va-phat-thai-thap-a188804.html
Bình luận (0)