BÀI 1: MỘT NGÀY DẠO QUANH NEW YORK
|
Tác giả tại nơi ghi dấu toà tháp đôi ở New York bị khủng bố Al Qeada cướp máy bay đâm vào làm chết trên 3.000 người vào ngày 11/9/2001 |
Nếu từ đó bay xuyên qua vùng trời Hawai đến Sanfrancisco thì cũng ngắn đi một đoạn, nhưng họ lại bay dọc theo bờ các nước nằm ven biển Thái Bình Dương thành một vòng cung qua vùng trời Nhật Bản, vòng lên Canada hạ cánh xuống Sanfrancisco thuộc bờ Tây rồi từ đó đổi máy bay bay tiếp đến New York thuộc bờ Đông nước Mỹ. Thời gian bay khoảng 17 tiếng nếu cộng cả thời gian chờ đợi, chuyển máy bay và các thủ tục xuất nhập cảnh thì mất khoảng 24 tiếng, vậy là tròn 2 ngày trên đường, lắc lư trên trời trong tiếng động cơ đều đều âm vang xuyên ngày đêm; lang thang trên các sân bay đợi chờ nhiều giờ, một số người cảm thấy “ớn, vì mệt mỏi”! Nhưng với những ai thích trải nghiệm thì ngược lại đó là một chuyến đi đầy thú vị, xem bản đồ bay trên màn hình chúng ta biết rõ mình đang bay theo đường nào, bay xuyên qua bầu trời của nước nào, các thành phố, các đảo hiện lên dưới cánh bay. Các sân bay có nơi lộng lẫy, có nơi đơn sơ, văn hóa ứng xử của nhân viên hải quan mỗi nước cũng có khác, có nơi lịch lãm, có nơi thô lỗ như sân bay Bù Đông (Trung Quốc) nơi tôi cũng đã từng qua! Thức ăn cũng là một trải nghiệm thú vi về khẩu vị của mỗi nơi đến và đi…
Sách vở kinh điển của ngành du lịch dạy rằng, điều kiện để đi du lịch là phải có sức khỏe và với một tinh thần tích cực ưa trải nghiệm, chấp nhận vất vả với những thứ không quen thuộc như ở nhà. Nhu cầu đi du lịch là để thưởng ngoạn phong cảnh, thành quách và thẩm nhận các giá trị văn hóa của xứ người. Riêng chuyến đi này của tôi còn có mục đích xem lại những gì mình đã từng nghe, từng đọc và từng được biết về nước Mỹ trong những năm chúng tôi tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ.
|
Tượng Nữ thần Tự do |
Vừa đặt chân đến New York, tôi nhận ngay tin nhắn của một người bạn thân từ Đà Lạt: “Mừng kỷ niệm 50 năm vừa xong thì ông đã bỏ đồng đội bay nửa vòng trái đất để qua chơi với đế quốc Mỹ hả!”. Biết anh đùa nhưng tôi vẫn lý sự: “Thì tui với ông cũng đã từng chống đế quốc Mỹ, còn bây giờ thì tui đi thăm một cường quốc là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam đấy chứ! Lúc nào nó là thực dân, đế quốc với đất nước mình thì mình chiến đấu đến cùng, lúc nào họ cư xử bình đẳng, tôn trọng ta thì họ là bạn mà nếu hợp tác với nhau tốt thì còn là bạn tốt của nhau nữa chứ. Có câu nói nổi tiếng của Churchil - Thủ tướng nước Anh trong thế chiến II “Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”. Vậy nên, chúng ta yêu nước bằng trái tim và bằng cả khối óc nữa chứ nếu chỉ bằng cảm xúc không thôi mà thiếu trí tuệ thì sao giữ được nước và đưa đất nước tiến xa được!”.
Anh cười khà: “Điều này ai cũng biết, tui chọc quê ông thôi, gì mà ông triết lý zữ zậy…”.
Nước Mỹ (Hoa Kỳ) rộng trên 9,7 triệu km2 (Việt Nam 332.000 km2) đứng thứ 3 thế giới sau Liên bang Nga và Trung Quốc, dân số gần 340 triệu người, GDP thường ở mức gần 27.000 tỷ USD và thu nhập bình quân xấp xỉ 81.000 USD/đầu người. Hoa Kỳ có 50 tiểu bang và một đặc khu liên bang.
50 năm qua, gần như một thế hệ người Mỹ đã đi qua! Nhiều đời Tổng thống Mỹ nối tiếp nhau và thế giới biết bao biến động, nhưng nước Mỹ vẫn giữ ngôi cường quốc số một của thế giới về kinh tế, khoa học; về văn hóa, chính trị và đặc biệt Mỹ là một cường quốc quân sự mà tất cả các nước đều phải kiêng dè. Một số chuyên gia dự đoán rằng, nhiều chục năm nữa cũng chưa có nước nào có thể soán ngôi đầu bảng của Mỹ được. Cách đây 50 năm về trước và nhiều năm trước đó, chúng ta cũng đã từng biết nước Mỹ là một cường quốc, thậm chí là một siêu cường bởi các nước kế tiếp còn cách xa về độ giàu mạnh. Lúc ấy ai cũng sợ đụng đầu với Mỹ, kể cả Liên Xô, Trung Quốc… và Việt Nam cũng không muốn đối đầu, thậm chí còn muốn kết bạn, nhưng chúng ta buộc phải đối đầu bởi chính sách can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, rồi là kẻ xâm lược, kẻ đem bom đạn hiện đại nhất thế giới thời bấy giờ trùm lên xứ sở, gieo bao tang tóc đau thương cho nhân dân Việt Nam. Một cuộc chiến tranh không thể tránh!
|
Du khách tham quan phố Wall |
Một ngày dạo quanh New York bằng các phương tiện xe bus, Metro lớn nhất thế giới để thấy New York sầm uất, hiện đại, lộng lẫy và phồn thịnh… Chúng tôi đến thăm tượng Nữ thần Tự do đẹp, uy nghi trên đảo Liberty. Tượng cao 93 m, nặng 204 tấn, được một kiến trúc sư người Pháp thiết kế, và nhân dân Pháp tặng nhân kỷ niệm 100 năm nước Mỹ giành độc lập từ tay người Anh (1776 – 1886). Tay phải nữ thần cầm ngọn đuốc mạ vàng giơ cao lên bầu trời với ý nghĩa soi sáng ra toàn thế giới, tay trái Nữ thần cầm cuốn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ là một bản tuyên ngôn mẫu mực mà sau này nhiều nước trên thế giới vận dụng, dưới chân Nữ thần là một đoạn xích sắt bị bứt tung tượng trưng cho sự phá bỏ xiềng xích nô lệ. Tượng Nữ thần Tự do là biểu tượng cao nhất của nước Mỹ về tự do dân chủ được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ.
Những năm quân Mỹ hiện diện ở miền Nam Việt Nam thì hình ảnh của Nữ thần Tự do thông qua các kênh truyền thông, nhất là các tạp chí đến với thanh niên sinh viên học sinh theo dạng phổ biến về các giá trị văn hóa Mỹ. Nhưng người ta lại phát hiện ra sự nghịch lý của tự do mà chính người Mỹ gọi là The Paradox of liberty với hình ảnh và câu chuyện được trưng bày trong bảo tàng quốc gia Mỹ. Câu chuyện đó là Tuyên ngôn độc lập ra đời năm 1776 với câu đầu tiên “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã cho họ một số quyền bất khả xâm phạm đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, trong khi đó, chế độ chiếm hữu nô lệ ở Mỹ vẫn tồn tại và kéo dài đến gần 100 năm sau mới được xóa bỏ bởi Abraham Lincol - Tổng thống đời thứ 16 của Mỹ; một nghịch lý nữa là nước Mỹ cổ súy tự do nhưng lại đem xiềng xích quàng lên non sông đất nước Việt Nam. Bởi vậy mà dù biết Mỹ là siêu cường của thế giới, dù ngưỡng mộ Mỹ giàu mạnh, dân chủ đi nữa, thì tuổi trẻ trường học miền Nam vẫn theo tiếng gọi của non sông “chống Mỹ cứu nước” với khẩu hiệu “American go home”, dịch nhẹ nhàng là “Người Mỹ hãy về nhà”, nặng lời hơn là “Mỹ cút về nước”; đòi quyền tự quyết nghĩa là hãy để người Việt Nam tự quyết vấn đề của mình mà không có ngoại bang nhúng mũi vào.
Nhìn tượng Nữ thần Tự do Mỹ uy nghi trên cao thật đáng ngưỡng mộ với tinh thần phổ quát giá trị tự do, dân chủ cho cả thế giới, trong tôi bỗng bật lên mấy câu thơ trong bài “Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa” của Võ Quê, một thi sĩ sinh viên trong phong trào sinh viên - học sinh Huế:
Kiêu hùng tóc biếc bay cao
Em tung nón rách em gào tự do
Ngày mai trên những chuyến đò
Có cô con gái học trò sang sông
Áo bay thơm má em hồng
Cờ vương cao gọi gió,
Ơi, Thừa phủ ơi lòng ta hồng biển lửa…?
Võ Quê nói lên mơ ước của người tù thiếu nữ một ngày phá tung đề lao Thừa Phủ để sống đời tự do, tôi bỗng bật cười vì một sự liên tưởng bất ngờ ngồ ngộ: Ở Mỹ có Nữ thần Tự do, ở Việt Nam có cô học trò tung nón rách đòi quyền tự do, và cô học trò ấy đã được tự do.
Đến thăm tượng Nữ thần Tự do những ngày này, ta gặp rất đông du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, khách đông đến mức phải xếp hàng hàng giờ mới lấy được vé, những con tàu vào ra tấp nập đưa trả khách tham quan, một khung cảnh nhộn nhịp chưa từng có ở những điểm tham quan du lịch mà mình đã từng qua.
|
Du khách chụp hình lưu niệm bên con bò charging bull trong tư thế chiến đấu, biểu tượng quyền lực của phố Wall |
Không thể không ghé qua phố Wall, nơi mà báo chí và các tài liệu trong nước mình đã thường nói đến một trung tâm quyền lực cực lớn của nước Mỹ. Ở đó, những dãy phố nối tiếp nhau bởi những tòa nhà chọc trời màu xám nhẹ của đá, cửa đóng im lìm không nhìn thấy bên trong làm cho những dãy tòa nhà vừa có vẻ bí ẩn vừa như thể hiện sức mạnh bí hiểm! Du khách rất đông, họ đi dạo và chụp hình dọc theo các dãy phố được người ta dựng những hàng rào sắt để khách đi theo luồng tuyến không tiếp cận các ngôi nhà. Ở đầu đường và các ngả đường có một trụ thép trên cao có bảng tên rất đơn giản “Wall st” tức Wall street (Phố Wall), chữ Wall là bức tường.
Tôi thắc mắc sao lại có tên là “phố Bức tường” và tìm hiểu thì ra cách đây lâu lắm, từ những năm giữa của 1600, người Hà Lan đến cư trú ở đây và đặt tên thành phố là New Amsterdam - tên mới của thủ đô bên nước Hà Lan, sau đó người Anh tiến đánh, người Hà Lan dựng lên bức tường bằng gỗ để làm ranh giới và để chiến đấu. Khi người Anh chiến thắng, họ đặt tên thành phố là New York và khu phố này có bức tường tuy đã bị phá dỡ nhưng họ vẫn lấy đó đặt luôn là phố Wall (Wall st). Về sau, các nhà tài chính và ngân hàng lớn đặt chân đến rồi đóng đô ở đây ngày càng đông càng lớn mạnh trở thành một trung tâm tài chính quyền lực nhất không chỉ ở nước Mỹ mà là cả toàn cầu. Ở đây quy tụ các "đại bàng" tài chính, ngân hàng tầm thế giới, đặc biệt là sở giao dịch chứng khoáng New York đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và ảnh hưởng đến thị trường tài chính Mỹ cũng như toàn cầu.
Du khách tập trung đông nhất là nơi có tượng con bò đực (Charging bull) bằng đồng dũng mãnh trong tư thế chiến đấu, tượng trưng cho sức mạnh của phố Wall luôn chiến đấu và tiến lên không ngừng, sẵn sàng húc tung các rào cản phía trước. Người ta xếp hàng lòng vòng nhiều lớp để đến lượt được sờ vào "quả cà" của con bò, bởi theo lời đồn là ai sờ được sẽ trở nên giàu có. Làm cho "quả cà" bằng đồng lên nước sáng bóng có thể soi hình được.
Thành phố New York có diện tích trên 1,2 triệu km2, GDP đô thị là 2.000 tỷ USD (năm 2019). Không thể đi hết, không thể biết hết được New York chỉ trong vài ngày, tạm biệt thành phố nổi tiếng thế giới chúng tôi tiếp tục đi đến những nơi đã từng nghe từng đọc, từng ghi nhớ vào ký ức với những vui buồn lịch sử!
(CÒN TIẾP)
Nguồn: https://baolamdong.vn/du-lich/202505/qua-mot-chuyen-di-ky-1-mot-ngay-dao-quanh-new-york-3cf6ed9/
Bình luận (0)