0 ₫

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

0 ₫

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Home Sách Sách Văn hóa - Xã hội Người Kháng ở Việt Nam

Người Kháng ở Việt Nam

Cuốn sách ảnh “Người Kháng ở Việt Nam” tập hợp những hình ảnh chân thực và sinh động, phản ánh nhiều phương diện trong đời sống của người Kháng từ nguồn gốc và phân bố dân cư: bản làng, nhà ở, nguồn sống y phục, trang sức cho đến phong tục tập quán, lễ hội tiêu biểu. Với phần viết lời chi tiết, tỉ mỉ, gồm nhiều tư liệu khảo cứu của nhà nghiên cứu dân tộc học Chu Thái Sơn, cuốn sách phần nào khác họa nét văn hóa độc đáo, đặc trưng ở tộc người Kháng.

Sách trưng bày

Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở miền núi Tây Bắc Việt Nam. Người Kháng còn có tên gọi khác, đó là Xả Khao, Xả Tú, Xã Dón, Xã Dũng, Xã Hốc, Xã A Ở, Xã Bếng, Xã Quảng Lâm. Ở nước ta, người Kháng cư trú chủ yếu ở Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, với số dân khoảng hơn 14.000 người.

Kinh tế chủ yếu của người Kháng là làm rẫy theo lối chọc lỗ tra hạt. Ngoài lối canh tác ấy, người Kháng còn làm ruộng nước theo phương thức cày bừa, trồng cấy trên các thửa ruộng bậc thang hẹp. Họ cũng chăn nuôi gia súc và gia cầm (gà, lợn, trâu) và làm đồ đan lát (ghế, rổ, rá, nia, hòm, gùi), làm mộc (thuyền độc mộc đuôi én) được người Thái ưa dùng. Đó là những công việc trong lúc nông nhàn, phục vụ cho đời sống tự túc, tự cấp trong các bản làng của họ. Họ trồng bông rồi đem bông đổi lấy vải đã may mặc của người Thái - một dân tộc cư trú liền kề, có truyền thống về dệt thổ cẩm và làm chăn đệm bông (phà Thái). Họ cũng đổi thuyền đuôi én cho người Thái để lấy những lâm thổ sản của dân tộc này phục vụ cho đời sống thường nhật.

Người Kháng còn nhiều giá trị văn hóa độc đáo, riêng biệt về phong tục, tập quán, truyền thuyết, truyện kể dân gian... vẫn được bảo lưu, trao truyền đến nay, như: phong tục ăn ở, hôn nhân, tang ma, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt, lễ hội Pang Phoóng và các di sản văn hóa truyền thống của người Kháng cũng được bảo tồn và tái hiện sinh động. Tuy vậy, theo dòng chảy của thời gian, những nét văn hóa đặc trưng của người Kháng đang dần bị mai một. Dù vẫn giữ được tiếng nói riêng nhưng nhiều nét văn hóa của người Kháng đang dần bị hòa đồng với người Thái.

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, ngày nay, trong đời sống vật chất và tinh thần của người Kháng, kể từ hôn nhân, cưới xin, ma chay, ăn mặc và nhà ở đã có nhiều đổi thay với những đan xen và tiếp biến văn hóa với nhiều dân tộc khác. Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... đang góp phần không nhỏ vào sự bảo tồn bản sắc văn hóa có tính riêng biệt, độc đáo của dân tộc Kháng.

Để góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cũng là bổ sung vào bộ sách ảnh 54 dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tấn biên soạn, xuất bản cuốn sách ảnh “Người Kháng ở Việt Nam”. Cuốn sách tập hợp những hình ảnh chân thực và sinh động, phản ánh nhiều phương diện trong đời sống của người Kháng từ nguồn gốc và phân bố dân cư: bản làng, nhà ở, nguồn sống y phục, trang sức cho đến phong tục tập quán, lễ hội tiêu biểu. Với phần viết lời chi tiết, tỉ mỉ, gồm nhiều tư liệu khảo cứu của nhà nghiên cứu dân tộc học Chu Thái Sơn, cuốn sách phần nào khác họa nét văn hóa độc đáo, đặc trưng ở tộc người Kháng. Chúng tôi hi vọng cuốn sách sẽ là nguồn thông tin, tư liệu bổ ích và hấp dẫn với độc giả.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tham khảo thêm