.jpg)
Lâm Đồng đang tiên phong trong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao. Dự án “Từ hạt ca cao đến thanh socola” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ trong giai đoạn 2022 - 2026, đang góp phần thay đổi diện mạo ngành hàng ca cao tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng. Hơn 1.160 lượt nông dân, cán bộ hợp tác xã và doanh nghiệp các tỉnh đã được đào tạo về kỹ thuật canh tác tuần hoàn. Điều này giúp họ cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng và đặc biệt là nâng cao thu nhập.
Giá ca cao toàn cầu trong 2 năm gần đây tăng mạnh, có thời điểm đạt kỷ lục 260.000 đồng/kg hạt, cao gấp 2-3 lần so với những năm trước, khiến người dân Lâm Đồng quay lại đầu tư cây trồng này. Tính ra, mỗi ha người trồng thu lợi khoảng 200 triệu đồng/năm.
.jpg)
Ông Cầm Bá Biên, một hộ trồng hơn 700 cây ca cao ở xã Đắk Wil, từng có ý định chặt bỏ vườn do giá ca cao thấp, nay đã quyết định giữ lại và đầu tư thêm nhờ hiệu quả mà mô hình tuần hoàn mang lại. “Sâu bệnh được quản lý tốt, giá bán ổn định từ 15.000 đồng/kg quả tươi, thậm chí hạt khô đạt tới 180.000 đồng/kg. Năm nay, tôi kỳ vọng lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu đồng từ vườn ca cao”, ông Biên chia sẻ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Thuận An (Lâm Đồng) cũng đang thu được hiệu quả cao nhờ sản xuất an toàn và tuần hoàn trên diện tích 1,3 ha. “Không chỉ dừng lại ở sản xuất hạt, quả ca cao tươi còn được chế biến thành các loại đồ uống, socola thủ công cao cấp, tạo ra giá trị gia tăng cao và đa dạng hóa sản phẩm nên chúng tôi yên tâm hơn trong đầu tư, chăm sóc cây trồng”, bà Hoa chia sẻ.
Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng, đơn vị thực hiện dự án EU thì đến nay dự án đã xây dựng 6 mô hình trình diễn và ban hành bộ tài liệu hướng dẫn chuẩn về sản xuất tuần hoàn ca cao. Dự án hỗ trợ kỹ thuật đến các doanh nghiệp, hợp tác xã để chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang tuần hoàn.
Mô hình kinh tế tuần hoàn cho phép tận dụng toàn bộ cây ca cao, từ vỏ, lá, thân đến hạt. Những phụ phẩm tưởng chừng bỏ đi trước đây nay được tái chế thành phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, hay thậm chí là than sinh học giúp cải tạo đất, lưu trữ carbon và giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô, xã Krông Nô cho biết: “Hiện nay, chúng tôi sản xuất khép kín từ trồng trọt đến sơ chế, chế biến bột ca cao, socola và cung cấp nguyên liệu cho các công ty lớn. Trước đây, nông dân chỉ thu hoạch phần hạt, chiếm dưới 10% trọng lượng quả, phần còn lại bỏ phí, gây ô nhiễm. Giờ đây, nhờ ứng dụng công nghệ và cách tiếp cận tuần hoàn, chúng tôi không chỉ tận dụng tối đa giá trị cây trồng mà còn giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường”. Thị trường ca cao đang rộng mở như chưa từng thấy, là cơ hội “vàng” để nông dân cả nước, trong đó có Lâm Đồng phục hồi và phát triển bền vững.
Nhu cầu tiêu dùng ca cao trên thế giới ngày càng tăng trong khi sản lượng đáp ứng khiêm tốn. Theo số liệu của Tổ chức Ca cao thế giới (ICCO), sản lượng ca cao toàn cầu năm 2024 chỉ hơn 4,3 triệu tấn. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, dù diện tích trồng ca cao Việt Nam chỉ còn hơn 3.000 ha với sản lượng hạt khô khoảng 3.500 tấn/năm nhưng chất lượng cao. Đặc biệt, giống hiếm Trinitario đã tạo nên hương vị độc đáo, thu hút các nhà nhập khẩu quốc tế.
Lâm Đồng là vùng trồng ca cao trọng điểm của Việt Nam, ước có khoảng 800 ha. Tỉnh có điều kiện khí hậu phù hợp cho cây ca cao phát triển tốt. Diện tích ca cao hiện nay đang được mở rộng. Người dân trồng ca cao tập trung hoặc xen với các cây trồng khác.
Nguồn: https://baolamdong.vn/thi-truong-ca-cao-rong-mo-382680.html
Bình luận (0)