Học sinh Trường THCS Châu Văn Liêm, quận Ô Môn tích cực phát biểu ý kiến tại buổi sinh hoạt truyền thông.
Hình thành kỹ năng tự vệ
Buổi truyền thông chuyên đề “Phòng, chống xâm hại TE trên không gian mạng” được tổ chức tại Trường THCS Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Những người thực hiện chuyên đề đã vận dụng công nghệ thông tin, tập hợp hình ảnh, tài liệu, xây dựng nội dung truyền thông về vấn nạn xâm hại TE trên không gian mạng. Qua đó, HS được tìm hiểu khái niệm, các hình thức xâm hại TE; tiềm ẩn nguy cơ, hệ lụy khi sử dụng internet thiếu chọn lọc, sai mục đích. Đồng thời, trang bị cho các em những biện pháp phòng ngừa bị xâm hại trên mạng xã hội. Em Võ Tuấn Anh, HS lớp 6, bày tỏ: “Em được cha mẹ hướng dẫn dùng điện thoại chủ yếu phục vụ việc học tập, trao đổi các thông tin với các bạn trong lớp, tham gia mạng xã hội để cập nhật kiến thức mới, hay bổ sung các môn học. Buổi sinh hoạt giúp chúng em tích lũy nhiều thông tin, nhắc nhở nhau cảnh giác với số điện thoại và tin nhắn lạ”.
Với chủ đề “Sử dụng mạng xã hội an toàn”, buổi truyền thông chuyên đề “Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng và quy định pháp luật liên quan trong trường học” tại Trường THCS Tân Thới, huyện Phong Điền thêm sinh động khi HS được cung cấp thông tin về hệ lụy khi lạm dụng mạng xã hội, không chọn lọc thông tin; nhận diện các hình thức lừa đảo tinh vi và các biện pháp phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng. Em Lý Gia Hân, HS lớp 9, cho biết: “Thầy cô thường xuyên nhắc nhở chúng em sử dụng mạng xã hội đúng cách, chọn lọc và tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân. Em mong muốn được tham gia nhiều buổi sinh hoạt truyền thông với những kiến thức bổ ích để ứng dụng trong học tập, đời sống”. Thầy Lê Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Trong tình hình gia tăng hình thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến phức tạp, nhà trường rất cần sự phối hợp của ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo để HS nhận diện, hạn chế rủi ro; đồng thời được phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh”.
Nâng cao hiệu quả truyền thông
Trong tháng 5-2025, Trung tâm CTXH thành phố phối hợp 20 trường học ở các quận, huyện có mô hình Câu lạc bộ Tuổi hồng tổ chức truyền thông chuyên đề phòng, chống xâm hại TE, lừa đảo trên không gian mạng. Thời điểm này, các em bắt đầu vào kỳ nghỉ hè nên có thời gian tiếp cận môi trường mạng nhiều hơn, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ và gia tăng nguy cơ bị xâm hại, lừa đảo do thiếu sự giám sát của nhà trường và phụ huynh. Hoạt động truyền thông giúp kết nối trách nhiệm nhà trường - phụ huynh - xã hội để bảo vệ, giáo dục TE trong thời đại số. Trung tâm CTXH là đầu mối cung cấp kiến thức, kỹ năng, kết nối hỗ trợ an sinh cho TE và gia đình.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, cho biết, Trung tâm phát huy tối đa vai trò ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi hồng tại các trường, luôn gần gũi, hiểu rõ tâm lý, nhu cầu HS, nên việc truyền thông thiết thực, hiệu quả và lan tỏa hơn. Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ phát huy năng lực xây dựng kế hoạch, khả năng tổ chức, điều hành các buổi sinh hoạt truyền thông. Qua đó, tăng tính bền vững và chủ động trong hoạt động truyền thông, giảm phụ thuộc nguồn lực bên ngoài, nâng cao ý thức tự vệ trong môi trường học đường và môi trường mạng. Các buổi truyền thông với hình thức đa dạng, sáng tạo, nội dung phong phú, tăng cường tương tác, thu hút sự quan tâm, hào hứng của HS. Bên cạnh đó, Trung tâm tập trung tuyên truyền một số chuyên đề liên quan TE như: phòng, chống bạo lực học đường và bạo lực giới; phòng, tránh tai nạn thương tích; kỹ năng sống và phòng ngừa các hành vi lệch chuẩn, tư vấn pháp luật… Việc các trường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt truyền thông, như sử dụng video tình huống thật, clip hoạt hình minh họa… phù hợp xu thế hiện nay. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tăng tính trực quan và tương tác đối với HS.
“Thời gian tới, Trung tâm CTXH thành phố tăng cường chuyển đổi số trong tuyên truyền, giáo dục, như: xây dựng “Thư viện số kỹ năng sống”, tổ chức lớp học kỹ năng kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tạo video ngắn, infographic đăng trên mạng xã hội do Trung tâm quản lý. Đồng thời, đưa công nghệ vào trải nghiệm hướng nghiệp: ứng dụng phần mềm trắc nghiệm năng lực nghề, tạo video 360° mô phỏng không gian nghề nghiệp, HS làm “CV số”; bồi dưỡng, tập huấn nội dung về ứng dụng công nghệ trong giáo dục kỹ năng sống, thiết kế truyền thông số cho TE…” - bà Nguyễn Thị Bích Vân nhấn mạnh.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG
Nguồn: https://baocantho.com.vn/tre-em-phat-trien-trong-moi-truong-an-toan-lanh-manh-a186837.html
Bình luận (0)