Anh hùng thời chiến, cống hiến thời bình
Đất nước thống nhất, bà Phạm Thị Liên (sinh năm 1953, ngụ xã Tân Lập, tỉnh Tây Ninh) cũng như bao cựu chiến binh (CCB) khác trở về cuộc sống đời thường tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, đất nước.
Với ý chí kiên cường của người lính, bà phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực lao động, sản xuất, từng bước vượt khó, vươn lên làm kinh tế giỏi, trở thành một trong những tấm gương nông dân tiêu biểu tại địa phương.
Cựu chiến binh Phạm Thị Liên (ngụ xã Tân Lập) kể về ý nghĩa của ngôi miếu thờ các anh hùng, liệt sĩ của gia đình bà
Kể với chúng tôi về khoảng thời gian tham gia kháng chiến, ánh mắt bà Liên sáng ngời, đó là ký ức đầy tự hào, bà không bao giờ quên. Gia đình có truyền thống cách mạng nên bà giác ngộ từ rất sớm.
Năm 11 tuổi, bà được gửi vào Trung ương Cục miền Nam làm nhiệm vụ giao liên cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục như Phạm Hùng, Ngô Văn Nghĩa, Cao Đăng Chiếm, Ngô Quang Nghĩa, Phạm Thái Bường,...
Từ cái nôi là “hạt giống đỏ”, bà được đơn vị cho đi học, đào tạo trở thành y sĩ làm việc tại trạm xá của Phòng Thông tin tại Trung ương Cục. Năm 22 tuổi, bà chuyển về chiến trường miền Đông (năm 1972) làm công tác tải thương từ chiến trường đến các trạm xá, bệnh viện.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà về công tác tại Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM), tiếp tục cống hiến vì sức khỏe Nhân dân. Đến 1986, bà xin về huyện Tân Biên làm việc tại doanh nghiệp nhà nước. Sau 20 năm cống hiến trong quân ngũ và công tác tại các đơn vị, năm 1993, bà về hưu, cùng chồng làm rẫy, chăm lo cho gia đình.
Gần 10 năm kiên trì với mô hình trồng điều và hoa màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao, bà vẫn không nản chí. Năm 2001, khi biết đến chính sách cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nông dân, bà mạnh dạn vay 150 triệu đồng để khởi nghiệp với mô hình nuôi heo.
Nhờ có kiến thức y học tích lũy từ thời còn là y sĩ quân y, bà chủ động tìm hiểu các phương pháp chăm sóc, phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi. Chỉ sau một thời gian, bà xây dựng được mô hình chăn nuôi với gần 1.000 con, mỗi năm xuất chuồng đều đặn, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
Không dừng lại ở đó, bà mạnh dạn thực hiện nhiều mô hình khác như nuôi gà, vịt, cá, cút và một số loại vật nuôi ít người nuôi như thỏ, ốc lác,… Lúc đầu chỉ nuôi vài chục con các loại, để phát triển đàn vật nuôi, bà mạnh tay đầu tư máy ấp trứng tạo ra con giống mới. Có thời điểm, trang trại cút của bà có gần 8.000 con.
Với số lượng vật nuôi lớn, thời điểm ấy, mô hình chăn nuôi của bà được xem là một “điểm sáng” trong lĩnh vực chăn nuôi của địa phương, nhiều nông dân tìm đến mua con giống, học hỏi kinh nghiệm.
Với những thành tích đã đạt, bà được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2014. Ngoài ra, bà còn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Bằng khen là hội viên tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn 2012-2017.
Những năm dịch Covid-19 diễn ra, tình hình mua bán gia súc, gia cầm bị đình trệ. Tuổi cao cộng với những di chứng từ vết thương do chiến tranh để lại khiến sức khỏe dần giảm sút, bà Liên ngừng các mô hình chăn nuôi. Sau dịch, bà gầy lại đàn vịt, gà, cút, ao cá,... với quy mô nhỏ để cải thiện bữa ăn gia đình.
Gia đình bà Phạm Thị Liên trở thành nơi chào đón các cựu chiến binh tìm về ôn lại chuyện năm xưa, tưởng nhớ đồng đội
Cũng xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, khi tròn 17 tuổi, ông Phạm Văn Tám (người có công - người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, ngụ xã Bến Lức) tham gia công tác mật cơ sở Đội biệt động thị trấn Bến Lức (nay là xã Bến Lức). Hai năm sau, ông bị địch phát hiện, được đưa vào căn cứ bí mật và thoát ly gia đình.
Hòa bình lập lại, ông được phân công với nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau từ Bí thư Đoàn Thanh niên kiêm trưởng Trạm Y tế Long Phú đến Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Bến Lức. Năm 2014, ông Tám về hưu nhưng tiếp tục được tin tưởng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện. Năm 2015, ông làm Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện đến tháng 7-2025 thôi nhiệm vụ. Bất kỳ vị trí nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ông Tám chia sẻ: “Cái giá của độc lập, tự do lớn lắm, phải đánh đổi bằng xương máu biết bao người con ưu tú của quê hương. Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khi được chứng kiến ngày đất nước thống nhất, non sông quy về một mối nên phải sống trách nhiệm, sao cho xứng với sự hy sinh của đồng đội mình”.
Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, ông Tám còn phát huy tốt truyền thống cách mạng của gia đình, giáo dục con cháu về những giá trị tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó,... Những lời dạy ấy đã thấm sâu vào tâm khảm, để con, cháu ông tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình.
Những đóng góp, hy sinh của ông Tám được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Vì sự tiến bộ phụ nữ, Kỷ niệm chương về công tác Dân vận và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), ông Tám là 1 trong 6 người có công tiêu biểu của Tây Ninh tham gia Hội nghị Gặp mặt Người có công và nhân chứng lịch sử năm 2025 tại TP.Hà Nội.
Nghĩa tình đồng đội
50 năm hòa bình lập lại nhưng bà Phạm Thị Liên vẫn luôn đau đáu khi nhắc về những đồng đội năm xưa đã ngã xuống. Xoa vết gồ trên đùi, bà nói: “Đây, trên đùi tôi vẫn còn mảnh đạn chưa được lấy ra”. Rồi bà kể, đây là dấu tích của một trận càn B52 lúc nửa đêm của địch tại Căn cứ Ban tham mưu Trung ương Cục ở Tân Châu vào năm 1972. Khi ấy, bà cùng 5 đồng đội làm công tác tải thương thì bom rơi trúng hầm trú ẩn và bị vùi lấp. Các đồng đội hy sinh, chỉ bà may mắn sống sót.
Người có công Phạm Văn Tám (thứ 4, từ phải qua) tham dự Hội nghị Gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử năm 2025
Đến nay, đã mấy chục năm trôi qua, vết thương trên đầu do bom nổ vẫn hành bà lúc trở trời nhưng đôi tay khỏe khoắn, đôi chân nhanh nhẹn giúp bà không chùn bước trên hành trình tìm hài cốt đồng đội. Bà nói: “Tôi từng là y sĩ, từng tự tay chôn cất nhiều liệt sĩ. Tôi vẫn còn nhớ chỗ chôn họ nên khi được các cơ quan, ban, ngành nhờ tham gia công tác tìm hài cốt liệt sĩ, tôi luôn sẵn sàng lên đường”.
Từ năm 1995, bà Liên đã tham gia đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của Bộ Công an. Khu vực từ Quốc lộ 22, đến Cà Tum, Sóc Tà Thiết (Tân Châu) khu nào bà cũng đi tìm qua. Đến nay, với sự giúp sức của bà, hàng trăm
hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và đưa về các nghĩa trang an táng.
Tuy nhiên, không phải liệt sĩ nào tìm được hài cốt cũng xác định được nhân thân. Đó cũng là điều bà và chồng trăn trở nhiều năm. Năm 2010, vợ chồng bà Liên lập ngôi miếu nhỏ trước nhà để thờ phụng cũng như làm lễ tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. 15 năm qua, nhà bà Liên trở thành nơi quen thuộc tổ chức hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ngôi miếu bà lập trước nhà cũng trở thành nơi những người CCB năm xưa tìm về thắp hương, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.
Không chỉ hết lòng vì đồng đội đã khuất, vợ chồng bà Liên còn là những người sống nghĩa tình với mọi người xung quanh. Nhiều năm qua, bà đóng góp và vận động cho địa phương hơn 10 căn nhà dành cho gia đình chính sách, tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào mỗi dịp lễ, tết.
Ở tuổi 70, khi thời tiết thay đổi, toàn thân ông Phạm Văn Tám đau nhức bởi thương tật do chất độc da cam hành hạ. Ấy vậy mà, ông vẫn miệt mài tham gia Hội thẩm Nhân dân tại Tòa án Bến Lức (nay là Tòa án khu vực 4, tỉnh Tây Ninh) và các hoạt động từ thiện - xã hội tại địa phương. Với người lính Cụ Hồ này, khi còn sức khỏe thì còn cống hiến.
Ông Tám cho biết thêm: “Khi tham gia cách mạng, chúng tôi chẳng mong thế hệ mai sau phải đền đáp mà chỉ vì mục đích chung là giành độc lập, tự do cho dân tộc. Vậy mà, thế hệ hôm nay luôn biết trân trọng, tri ân người có công với cách mạng. Các hoạt động tri ân được tổ chức thường xuyên, tạo sự lan tỏa sâu, rộng trong đời sống xã hội. Riêng cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025 không chỉ là sự kiện tri ân mà còn là điểm kết nối giữa quá khứ vẻ vang và hiện tại đổi mới. Tại đây, tôi được gặp lại đồng chí, đồng đội của mình trong niềm hạnh phúc vỡ òa”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thế hệ đi trước đã viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Và khi trở về với thời bình, những người lính Cụ Hồ năm xưa như bà Phạm Thị Liên, ông Phạm Văn Tám lại khắc ghi vào lòng người dân những đóng góp âm thầm nhưng to lớn trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước./.
Linh San - Quỳnh Như - Lê Ngọc
Nguồn: https://baolongan.vn/tro-ve-tu-lua-dan-viet-tiep-trang-su-vang-a199435.html
Bình luận (0)