Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: Đoàn Minh Tơ lực lượng hùng hậu

Gia tộc sân khấu lớn và hùng hậu nhất có thể nói chính là gia tộc Minh Tơ. Cho đến nay lực lượng con cháu kế thừa và gìn giữ truyền thống vẫn còn rất đông và đều nổi tiếng lừng lẫy.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên21/07/2025

TỪ HÁT BỘI CHUYỂN SANG HỒ QUẢNG

Gia tộc này bắt đầu từ ông bà bầu Vĩnh Xuân, khi họ lập gánh hát bội Vĩnh Xuân đầu những năm 1920 diễn khắp Nam kỳ lục tỉnh (lúc đó chưa có cải lương, hát bội đang thịnh hành). Thế hệ thứ hai là ông Nguyễn Văn Thắng (con của ông bà Vĩnh Xuân) mới 14 tuổi đã lên sân khấu, 20 tuổi trở thành kép đẹp nổi danh khắp Nam kỳ, và 30 tuổi lập gánh riêng tên là Vĩnh Xuân Ban đóng đô tại đình Cầu Quan, Q.1, Sài Gòn (cũ).

Giai đoạn này hát bội đã dần thoái trào, cải lương bắt đầu xuất hiện thu hút khán giả, nên ông bầu Thắng có xu hướng cải cách, nghiên cứu viết lại tuồng hát bội sao cho nhẹ nhàng dễ xem, bớt tiếng Hán, thêm những kỹ thuật biểu diễn đẹp mắt. Và xu hướng cải cách này được thế hệ thứ ba tiếp tục phát triển, để chuyển hẳn sang cải lương.

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: Đoàn Minh Tơ lực lượng hùng hậu- Ảnh 1.

NSND Thanh Tòng và Ngọc Đáng trong vở Tô Hiến Thành xử án - ẢNH: H.K

Ông bầu Thắng có 10 người con, trong đó Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú theo nghiệp hát của gia tộc. Minh Tơ trở thành trụ cột của thế hệ thứ ba, gánh vác cả đoàn hát. Anh cùng vợ và các em sang gánh Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há học cải lương, rồi trở về đoàn của mình lập nên một thể loại mới là cải lương hồ quảng. Đây là sự kết hợp giữa các trình thức tuyệt đẹp của hát bội với bài bản cải lương truyền thống, cùng các giai điệu mới của Hồng Kông, Đài Loan, làm nên một tác phẩm sân khấu vừa mùi mẫn vừa rộn ràng, sinh động, hấp dẫn công chúng.

Cần nói thêm cho rõ, giai đoạn này (giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960), phim Hồng Kông, Đài Loan tràn sang Sài Gòn, cuốn hút công chúng đến độ nhiều đoàn cải lương truyền thống rơi vào lao đao, nên việc ông Minh Tơ xoay xở tìm ra lối thoát riêng âu cũng là sáng tạo. Ông biết kết hợp cái gọi là "trend" với những giá trị truyền thống thừa hưởng từ gia tộc và học từ nghệ sĩ Phùng Há, nhờ vậy gánh hát hồi sinh và phát triển. Riêng nghệ sĩ Đức Phú có công rất lớn, vì sáng tác nhiều bài bản mới, hoặc chuyển từ nhạc Hồng Kông, Đài Loan sang nhạc mang âm hưởng Việt, âm hưởng cải lương, thậm chí có bản mang âm hưởng bolero.

THẾ HỆ THỨ TƯ SÁNG TẠO TUỒNG CỔ

Gia tộc Minh Tơ có chi của ông Minh Tơ và chi của bà Huỳnh Mai (mẹ của NSƯT Thành Lộc) là hai chi lớn rạng danh nhất dòng họ. Minh Tơ có 7 người con theo nghề làm nên thế hệ thứ tư nổi tiếng, đó là Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn, thêm 2 người con rể là Hữu Cảnh (chồng Xuân Yến) và Trường Sơn (chồng Thanh Loan) cũng là nghệ sĩ hồ quảng lừng danh.

Truyền nhân của đại gia tộc sân khấu: Đoàn Minh Tơ lực lượng hùng hậu- Ảnh 2.

Nghệ sĩ Trường Sơn và Thanh Loan trong vở Câu thơ yên ngựa - ẢNH: H.K

Xuân Yến và Thanh Loan là hai cô đào chuyên đóng lẳng độc xuất sắc. Minh Tâm chuyên sáng tác và phối nhạc cho hồ quảng. Công Minh chuyên về trang phục, mấy chục năm nay vẫn là người thiết kế rất tin cậy cho nhiểu đoàn cải lương. Còn Thanh Sơn là người giỏi về vũ đạo, võ thuật, kỹ thuật biểu diễn tuồng hồ quảng, tuồng cổ, sau này trở thành người thầy truyền nghề cho nhiều nghệ sĩ trẻ.

Và phải kể đến NSND Thanh Tòng - điểm sáng nhất trong gia tộc, người có công chuyển từ cải lương hồ quảng sang thể loại mới là cải lương tuồng cổ, chuyên về các vở lịch sử VN. Sau 1975, Nhà nước có chủ trương tìm cách để hồ quảng thích ứng được với xã hội mới, nên Thanh Tòng bắt tay viết hàng loạt vở như Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Má hồng soi kiếm bạc, Ngọn lửa Thăng Long, Tô Hiến Thành xử án, Bức ngôn đồ Đại Việt… Ông cùng chú ruột Đức Phú một lần nữa Việt hóa gần 100% các giai điệu nhạc và vũ đạo hồ quảng, đưa thêm trình thức hát bội vào, hoặc các điệu lý dân gian, các bài bản cải lương truyền thống… làm nên những vở diễn tuyệt vời, cho đến bây giờ vẫn còn giá trị. Nhiều vở trở thành kinh điển, được tái dựng thường xuyên, hoặc các thí sinh vẫn lấy trích đoạn để tham gia các cuộc thi giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ… NSND Thanh Tòng giỏi trong tất cả các lĩnh vực, diễn, viết, dựng, dạy học trò, làm giám khảo... Ông sống chết với nghề, tận tâm tận lực, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn vẫn tìm ra con đường mới cho cải lương.

Thực sự thể loại tuồng cổ mà Thanh Tòng sáng tạo có giá trị đặc biệt chứ không hề "phá" cải lương như một số người ngộ nhận. Ông làm cho cải lương truyền thống có thêm một "chi" mới thú vị, đáp ứng "thực đơn" phong phú cho khán giả. Xem tuồng cổ do Thanh Tòng sáng tác sẽ thấy chất lịch sử rất đậm nhưng tính giải trí cũng rất cao, và chất Việt được ẩn khéo léo trong từng nét nhạc, vũ đạo, làm cho vở diễn gần gũi mà sang trọng so với hồ quảng gốc. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/truyen-nhan-cua-dai-gia-toc-san-khau-doan-minh-to-luc-luong-hung-hau-185250720212325836.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm