Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ứng dụng AI vào điện ảnh: Hào hứng và thận trọng

AI (trí tuệ nhân tạo) đã và đang len lỏi vào công nghiệp điện ảnh như một xu thế tất yếu. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng ấy là những câu hỏi lớn về đạo đức, bản quyền và giá trị nghệ thuật đích thực.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng15/05/2025

Tranh cãi không ngừng

Đạo diễn James Cameron - người từng phản đối AI, nay cho rằng có thể ứng dụng công nghệ này để giảm chi phí làm phim mà không cần phải sa thải nhân sự. Trong một bài viết trên mạng xã hội gần đây, ông nhấn mạnh: “Để có được những tác phẩm nặng về đồ họa, các nhà sản xuất phải cắt giảm chi phí khác, trong đó có nhân sự. Với sự hỗ trợ của AI, tốc độ sản xuất có thể được đẩy nhanh hơn, chu kỳ sản xuất rút ngắn lại, nhân lực cũng được đảm bảo…”.

Ted Sarandos, đồng CEO của Netflix, cũng tỏ ra lạc quan khi cho rằng AI không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao chất lượng phim. Hiện Netflix đã ứng dụng AI vào thiết kế bối cảnh, dựng hình sơ bộ, lên kế hoạch quay và hỗ trợ VFX (kỹ xảo). Theo ông, AI giúp các dự án nhỏ có thể tiếp cận những hiệu ứng đặc biệt mà trước đây chỉ các phim ngân sách lớn mới có thể.

“Vẫn là sáng tạo đó, nhưng nhờ AI, chúng ta sẽ làm được điều mà 5 năm trước còn bất khả thi. Tuy nhiên, tôi không cho rằng AI thay con người, công nghệ mới sẽ giúp cải thiện trải nghiệm của người xem lẫn nhà làm phim”, Sarandos nhấn mạnh.

Dù vậy, tranh cãi vẫn dai dẳng. Cuộc đình công của các nghệ sĩ, diễn viên Mỹ năm 2023 bắt nguồn từ lo ngại AI thay thế công việc sáng tạo. Các diễn viên yêu cầu hợp đồng đảm bảo hình ảnh và giọng nói của họ không bị dùng để huấn luyện AI nếu không có sự đồng ý. Việc các bộ phim sử dụng AI như Emilia Perez và The Brutalist được đề cử Oscar 2025, hay Adrian Brody được AI hỗ trợ để thể hiện chất giọng Hungary - đã giành giải Nam chính xuất sắc (The Brutalist), rồi việc gương mặt Tom Hanks trẻ hóa trong phim Here nhờ AI… cũng đã gây ra làn sóng tranh cãi dữ dội.

Nhiều chuyên gia Hollywood cho rằng, AI sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu không đặt nhà làm phim ở vị trí trung tâm. Công nghệ rốt cuộc phải phục vụ nhà làm phim. Vấn đề không phải là có nên dùng AI hay không, mà là dùng thế nào để nghệ sĩ, các nhà làm phim không bị gạt ra bên lề.

Điện ảnh Việt “chập chững” với AI

Trung tuần tháng 4, Chánh Phương Films, đơn vị đứng sau nhiều bộ phim đình đám: Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Để mai tính 2, Tèo em... công bố tổ chức cuộc thi phim ngắn AI đầu tiên mang tên “Chánh Phương AI Film Competition”.

Với khẩu hiệu “Khi công nghệ tạo hình, con người tạo hồn cho câu chuyện”, theo tiết lộ của ban tổ chức, cuộc thi đã nhận được 86 bài dự thi gửi về và 12 bài dự thi xuất sắc nhất đã được chọn vào vòng trong. Mục tiêu của cuộc thi không chỉ tìm kiếm những tài năng mới trong lĩnh vực phim ứng dụng AI, còn tôn vinh tính nguyên bản, sáng tạo và cảm xúc trong từng thước phim.

O6A.jpg
Những hình ảnh trong phim AI 4K Đặc công Rừng Sác của nhóm Skyline

Trước đó, việc ứng dụng AI vào sản xuất các MV ca nhạc, TVC, phim ngắn cũng đã được nhiều nhà sáng tạo trẻ ở Việt Nam ứng dụng. Đạo diễn 9X Phạm Vĩnh Khương từng ứng dụng công nghệ này vào sản xuất các MV: Bức tranh Đại Việt, Tiệc trắng, Mắt bão, Chèo mở lái ra... và đang lên kế hoạch sản xuất một dự án phim điện ảnh. Skyline - nhóm các bạn trẻ chuyên phục chế ảnh các liệt sĩ, thời gian gần đây cũng giới thiệu phim ngắn Đặc công Rừng Sác sử dụng công nghệ AI 4K. Bộ phim dài hơn 3 phút này thu hút hơn 418.000 lượt xem, cùng hàng ngàn lượt yêu thích, bình luận khi được đăng tải trên Facebook.

Theo đạo diễn Bá Cường, các nhà làm phim đang hưởng lợi rất nhiều vì AI như một trợ lý cần mẫn, nhanh nhẹn và sở hữu nhiều kiến thức tốt, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Theo anh, có thể áp dụng AI trong nhiều công đoạn, từ tiền kỳ (phân tích kịch bản và dự đoán hiệu suất, lập kế hoạch sản xuất, phát triển ý tưởng kịch bản, casting), cho đến giai đoạn sản xuất (quản lý dữ liệu trường quay, hỗ trợ quay phim và ánh sáng), hậu kỳ (kỹ xảo, dựng phim, chỉnh màu, xử lý âm thanh, tạo phụ đề và lồng tiếng), và cả giai đoạn phân phối, tiếp thị (phân tích khán giả, tạo trailer)...

“Dù sử dụng AI nhiều, nhưng theo tôi, AI không thể thay thế cách làm phim truyền thống. Ngược lại, chúng ta có thể tận dụng AI để tối ưu nhân lực, ngân sách và thời gian, đồng thời vẫn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới lạ, đột phá”, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương, người đầu tiên ở Việt Nam làm phim hoàn toàn dựa vào AI, cho biết. Trong khi đó, đại diện Chánh Phương Films thì nhấn mạnh: “Sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật là điều tất yếu, nhưng quan trọng là con người vẫn phải làm chủ câu chuyện. Một tác phẩm thành công không phải là tác phẩm có hiệu ứng đẹp nhất, mà còn khiến người xem rung động”.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ung-dung-ai-vao-dien-anh-hao-hung-va-than-trong-post795271.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khám phá ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm