Hủ tiếu khô Sa Đéc
Nhắc đến đặc sản Cần Thơ, người ta không thể không kể đến món hủ tiếu khô, nổi tiếng nhất là ở Sa Đéc. Nhờ cách chế biến, nguyên liệu có chút khác biệt so với món hủ tiếu ở các tỉnh khác mà hủ tiếu khô ở Cần Thơ có hương vị lạ miệng, hấp dẫn hơn.
Tuy là hủ tiếu khô nhưng sợi to, mềm dai, ăn kèm với nhiều nguyên liệu như như tim, gan, thịt heo, tôm luộc,… và đặc biệt được hòa quyện với phần nước sốt sánh đặc, vàng đậm, dậy mùi thơm của hành phi.
Một suất hủ tiếu khô Cần Thơ có giá dao động từ 25.000 – 30.000 đồng (Ảnh: @ntv.foodie, Thúy Hằng).
Để gia tăng hương vị cho món ăn, bạn có thể ăn kèm rau sống, thêm tỏi ớt hoặc hành phi. Nhiều thực khách phương xa từng thưởng thức hủ tiếu khô nhận xét, đây chính là món ngon nhất định phải nếm thử một lần nếu ghé thăm nơi đây.
Bánh hỏi heo quay Phong Điền
Huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ được nhiều thực khách biết đến với đặc sản bánh hỏi heo quay nổi tiếng. Bánh hỏi ở đây được làm từ bột gạo, sợi nhỏ, màu trắng tinh, bên trên phủ lớp mỡ hành thơm lừng.
Món ăn này thưởng thức kèm thịt heo quay trong mềm ngoài giòn rụm và rau thơm, chấm cùng nước mắm tỏi ớt chua ngọt khiến bất cứ ai nếm thử một lần cũng nhớ mãi.
Dưới bàn tay tài hoa của người đầu bếp, món bánh hỏi heo quay Phong Điền phải thực hiện qua rất nhiều công đoạn vô cùng tỉ mỉ và công phu (Ảnh: @jeansfoodlab).
Bánh hỏi heo quay là đặc sản gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người dân Cần Thơ nói chung và Phong Điền nói riêng, thường xuất hiện trong các bữa cỗ, tiệc mừng cưới, đám giỗ,… hay dùng chiêu đãi bạn bè, người thân, khách quý đến chơi nhà.
Bánh cống
Bánh cống hay còn được gọi là bánh cóng vì vẻ ngoài giống với món đồ đựng bằng sành hình trụ, miệng rộng, có nắp đậy, thân hơi phình, đáy lồi. Đây cũng là món ăn nức tiếng bến Ninh Kiều mà du khách tới đây không nên bỏ lỡ.
Bánh cống thoạt nhìn khá giống bánh tôm Hà Nội nhưng được chế biến từ các nguyên liệu đặc biệt hơn. Bánh được làm bột, bột đậu xanh và tôm tươi, thêm chút trứng gà cho dậy mùi thơm và tạo màu vàng đẹp mắt (Ảnh: @nguyenfoodalic).
Món ăn này có độ giòn rụm, thơm ngon béo ngậy với phần nhân đầy đặn, gồm đậu xanh, thịt, tôm, ăn kèm các loại rau sống như diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế, hoặc thêm bún và chấm với nước chấm chua ngọt.
Giữa biết bao thức quà miền Tây, bánh cống Cần Thơ vẫn “lấy lòng” du khách bởi vị giòn tan của vỏ bánh, vị tươi ngon của tôm, vị chua cay của nước chấm. Tuy là món ăn dân dã nhưng bánh cống đã trở thành đặc sản không thể thiếu trong “hành trình” khám phá đặc sản Cần Thơ.
Bánh tằm bì
Tuy là món ăn dân dã nhưng bánh tằm bì Cần Thơ lại hút khách bởi hương vị lạ miệng, thơm ngon. Để có một phần bánh chuẩn vị, người địa phương phải khuấy chín bột gạo, se thành sợi và mang đi hấp. Bì sẽ được ướp cùng nhiều loại gia vị, sau đó chiên vàng và trộn vào bánh. Da heo luộc mềm, thái mỏng trộn cùng thính gạo, thêm tỏi và hành băm phi vàng, nêm chút đường và muối.
Món bánh này không thể thiếu nước cốt dừa sánh mịn, được lấy trực tiếp từ nước dừa tươi. Nước dừa được đun trên bếp lửa nhỏ liu riu, thêm chút muối, đường và bột gạo, sau đó khuấy đều đến khi thu được hỗn hợp sánh quyện thì tắt bếp.
Bánh tằm bì có vị ngon ngọt của thịt, dai giòn sần sật của bì heo và hành tỏi phi, dậy mùi thơm của các loại rau ăn kèm như giá đỗ, rau sống, dưa chua,… vô cùng hấp dẫn.
Chuối nếp nướng
Tới Cần Thơ, du khách có thể dễ dàng tìm và thưởng thức món chuối nếp nướng ở nhiều quán hay quầy hàng ven đường vì đây là món ăn vặt đường phố khá nổi tiếng.
Để món chuối nếp nướng ngon, từ các khâu sơ chế cho đến chế biến như tuốt gân chuối, ngâm gạo, nấu nước cốt dừa,… bọc vỏ nếp,… đều phải được thực hiện tỉ mỉ, kỹ lưỡng.
Chuối nếp nướng có lớp vỏ nếp bên ngoài dai dẻo, vàng giòn và phần chuối bên trong mềm ngọt, thơm nức mũi, ăn kèm chút mè rang, dừa nạo và đậu phộng giã thô. Đặc biệt, món ăn này phải thưởng thức kèm nước cốt dừa ngọt thanh, béo ngậy, thêm hạt bột báng (trân châu) dai dai, giòn giòn tạo nên hương vị đặc trưng riêng.