Nhiều nhà sáng tạo nội dung TikTok liên tục khiến dư luận bức xúc về việc làm nội dung xấu, độc hại và quảng cáo tràn lan. Trước thực trạng trên, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết không chỉ TikTok, các nền tảng xuyên biên giới không hợp tác với cơ quan quản lí sẽ bị xử lý nghiêm.
Quảng cáo làm lố, nội dung tranh cãi liên tục xuất hiện trên TikTok
Theo thống kê của eMarketer tính đến tháng 7.2022, các nhãn hàng đã bỏ ra tới hơn 2,2 tỉ USD để chi cho những hoạt động quảng cáo trên Instagram, con số này ở YouTube – TikTok – Facebook lần lượt là 948 triệu USD, 774 triệu USD và 739 triệu USD.
Ở Việt Nam, hiện các nhãn hàng ở mọi lĩnh vực ráo riết tìm kiếm các hot Tiktoker để chi tiền, mời họ trải nghiệm và làm clip giới thiệu sản phẩm cho mình.
Với mức độ chịu chi của các shop và nhãn hàng, nhận quảng cáo sản phẩm trở thành nguồn thu nhập không hề nhỏ cho các Tiktoker. Từ đó, sản sinh ra nhiều công ty quản lí của các hot Tiktoker nhận hợp đồng quảng cáo lố về để PR nhằm kiếm tiền, trục lợi.
Theo chuyên gia truyền thông Hoàng Văn, một Tiktoker có hơn 1 triệu lượt theo dõi có thể kiếm được hợp đồng quảng cáo từ 5 triệu đến vài chục triệu đồng/tháng tuỳ vào năng lực, thời gian và lợi nhuận họ mang lại cho nhãn hàng.
Ngoài ra, còn tuỳ vào hiệu quả của các màn PR sản phẩm mà họ có thể được trả thêm phần trăm hoa hồng.
Trên TikTok, nhiều Tiktoker khoe mình từng kiếm được vài trăm triệu đến cả tỉ đồng một tháng nhờ quảng cáo, PR, bán hàng cho các nhãn hàng.
Nhưng mọi chuyện đều có 2 mặt, thu nhập cao ngất ngưởng trở thành nguyên nhân khiến nhiều Tiktoker nhận quảng cáo bất chấp.
Điển hình là vụ việc Tiktoker Nờ Ô Nô từng có nhiều clip reivew món ăn ở các nhà hàng, quán ăn. Trong đó, những nơi trả tiền quảng cáo, anh khen bất chấp, sau đó nhiều thực khách vì tin tưởng lời giới thiệu đã đến các quán này thưởng thức thì chất lượng lại không như ý. Trong khi, nơi khác không thuê thì Tiktoker này lại tìm cách chê bai, hạ bệ…
Để có lượt theo dõi cao để nhận quảng cáo, thường một số Tiktoker lại làm những nội dung bẩn câu view như: Chê bai vùng miền, thoá mạ người khác, những trend độc hại cho sức khoẻ đang tràn lan trên mạng thu hút lượt tương tác cao.
Hiện tại, trên TikTok không hiếm bắt gặp những bài review các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc… tràn lan.
Cách đây không bao lâu, Tiktoker Võ Hà Linh đã bán sạch hàng sản xuất từ 3 nhà máy trong buổi livestream của mình.
Tuy nhiên, khách hàng sau khi mua sản phẩm đã phản ánh rằng, quà tặng kèm có hạn sử dụng không đúng như lời Hà Linh giới thiệu như livestream. Sau đó, Hà Linh lên tiếng xin lỗi và làm việc lại với nhãn hàng.
Sự việc Tiktoker Trương Nhã Dinh livestream bán mỹ phẩm “giá siêu hời”, chỉ rẻ bằng 1/4, 1/5 giá gốc của sản phẩm bị chính các thương hiệu nổi tiếng phản ánh rằng cô bán hàng nhái gây xôn xao. Sau đó Tiktoker này lên tiếng giải thích nhưng khán giả vẫn bức xúc.
Xử lí nghiêm hoặc cấm TikTok nếu không hợp tác
Tại Hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs) do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức vừa qua, Cục trưởng Lê Quang Tự Do đã đưa ra nhận định về tình hình cũng như phương hướng giải quyết với các nền tảng không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Theo ông Lê Quang Tự Do, TikTok nói riêng và các nền tảng mạng xã hội nói chung nếu thiếu sự hợp tác, tự cho rằng có tiêu chuẩn cộng đồng toàn cầu riêng, không tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại vì là tập đoàn đa quốc gia… thì sẽ bị hạn chế.
Trước đó, tại cuộc họp đầu tháng 4.2023, Bộ TTTT đã công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Trong đó, Bộ có cảnh báo về việc TikTok không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục…
Luật sư Hoàng Hà – Văn phòng luật L&P, TP Hồ Chí Minh cho biết với các Tiktoker hoặc công ty quản lí nhận quảng cáo sai sự thật, phổi phồng công dụng sản phẩm, có thể căn cứ vào khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ bị xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng.
Theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối, với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.