Khi căng thẳng, tín hiệu từ hệ thần kinh ruột bị rối loạn, khiến dạ dày co bóp bất thường, kích thích tiết nhiều axit, tăng nguy cơ trào ngược, loét dạ dày.
Áp lực công việc, học tập, thi cử… gây căng thẳng thần kinh (stress). Tình trạng này kéo dài có thể gây rối loạn hệ miễn dịch đường ruột, ảnh hưởng sức khỏe tiêu hóa. Bác sĩ Hoàng Nam (khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) giải thích, 95% hormone serotonin có vai trò kiểm soát tâm trạng con người nằm trong hệ tiêu hóa. Hormone này được hệ thần kinh ruột sử dụng để giao tiếp và tương tác với hệ thần kinh trung ương khi thức ăn được nạp vào cơ thể. Khi stress, tín hiệu từ hệ thần kinh – ruột bị gián đoạn và rối loạn, gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa, trong đó có bệnh lý dạ dày.
Trào ngược dạ dày thực quản
Khi bị stress, hệ thần kinh trung ương điều khiển làm co cơ, giảm lưu thông máu tuần hoàn đến ống tiêu hóa. Thay vào đó, máu sẽ được tập trung về tim mạch và phổi. Đó là lý do stress thường gây ra tình trạng tim đập nhanh, tăng nhịp thở, đau ngực, vã mồ hôi…
Tình trạng giảm lượng máu đột ngột làm rối loạn nhu động ống tiêu hóa do thực quản, dạ dày và đường ruột co thắt bất thường. Khi dạ dày co thắt quá mức làm tăng tiết axit dịch vị, tăng nguy cơ trào ngược axit. Lúc này, người bệnh thường gặp các triệu chứng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, khô miệng, hơi thở hôi…
Viêm loét dạ dày
Stress khiến cơ thể sản sinh quá mức hormone cortisol, làm giảm quá trình sinh tổng hợp prostaglandin – chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày trong môi trường axit dịch vị. Lúc này, niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương, làm suy giảm khả năng sản xuất chất nhầy, tạo điều kiện cho axit dạ dày phá hủy lớp mô bên dưới, làm xuất hiện tình trạng viêm, loét dạ dày. Bệnh gây ra các cơn đau vùng thượng vị, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn.
Khi stress nặng, não sẽ sản sinh ra steroid và andrenaline để khắc phục tình trạng này. Những hormone này có thể khiến bạn giảm cảm giác thèm ăn hoặc kích thích ăn nhiều hơn bình thường. Ăn uống không điều độ như bỏ bữa, ăn không đúng giờ làm tăng các triệu chứng viêm loét dạ dày.
Xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng
Theo bác sĩ Hoàng Nam, nếu tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng kéo dài, không được điều trị kịp thời, đúng cách làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, người bệnh có biểu hiện nôn máu, đại tiện phân đen. Lúc này, người bệnh cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Một số người có thói quen sử dụng rượu hoặc thuốc lá để giải tỏa căng thẳng. Trong khi, bia rượu kích thích cơ thể giải phóng hormone gastrin, khiến dạ dày tăng tiết nhiều axit dịch vị, làm trầm trọng thêm tình trạng loét. Nicotine trong thuốc lá làm cản trở lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày, ức chế bài tiết chất nhầy và tổng hợp prostaglandin, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi niêm mạc dạ dày. Đồng thời, nicotine còn thúc đẩy bài tiết axit dịch vị, làm chậm quá trình lành vết loét hoặc tái phát tình trạng loét, từ đó tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày.
Để giảm tình trạng căng thẳng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý dạ dày, bác sĩ Hoàng Nam khuyên mọi người nên điều chỉnh lại lịch sinh hoạt điều độ và sắp xếp công việc phù hợp. Khi đã xác định được nguyên nhân của bệnh dạ dày là do stress, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phác đồ điều trị khoa học, thích hợp.
Xây dựng lối sống khoa học như bỏ uống rượu bia và hút thuốc lá; ngủ đủ giấc mỗi ngày để điều hòa hoạt động của dạ dày và giải tỏa áp lực. Tập thể dục 15-30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày một tuần giúp tăng cường trao đổi chất, điều hòa nhu động ống tiêu hóa, giảm hiện tượng tăng tiết dịch vị quá mức.
Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh như hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng hoặc thực phẩm chứa nhiều axit; ăn uống đúng giờ; tăng cường rau xanh, hoa quả và chất xơ giúp cải thiện hệ miễn dịch đường ruột, tăng cường sức đề kháng. Bạn nên ưu tiên sử dụng một số loại thực phẩm giải tỏa căng thẳng và nâng đỡ tinh thần như thịt cá, động vật có vỏ, khoai lang, bông cải xanh, tỏi, mùi tây, các loại hạt (hướng dương, đậu xanh), các loại trà thảo mộc (trà hoa cúc, trà xanh, trà bạc hà, trà mật ong)…
Sử dụng các biện pháp thư giãn như ngồi thiền, tắm nước nóng, liệu pháp mùi hương cũng giảm căng thẳng, tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu.
Tự ý sử dụng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu tình trạng đau dạ dày kéo dài, ảnh hưởng tới công việc và chất lượng sống, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Trường hợp stress và các triệu chứng đau dạ dày không thuyên giảm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị.
Trịnh Mai