Mô hình iLink là việc dạy chương trình iSMART (chương trình dạy và học tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học, các bài giảng số xây dựng theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Mô hình iLink đã được áp dụng thử nghiệm với hơn 9.000 học sinh khối 1 và khối 3 tại các huyện: Mù Cang Chải (Yên Bái), Nam Trực (Nam Định) và Thái Thụy (Thái Bình).
Theo đó, vào một giờ cố định, giáo viên iSMART sẽ kết nối trực tuyến với các giáo viên đồng giảng tại địa phương để trực tiếp dẫn dắt buổi học cùng lúc cho hàng trăm lớp học, với hàng nghìn học sinh. Bài giảng số được cài đặt vào máy tính tại các lớp học ở địa phương.
Giáo viên đồng giảng không nhất thiết phải biết tiếng Anh, sẽ được tập huấn sử dụng phần mềm và quy trình vận hành một buổi học theo giáo án do iSMART cung cấp. Giáo viên iSMART giảng dạy, hướng dẫn trực tuyến cho tất cả các lớp, đồng thời có thể tương tác bổ trợ với một lớp học cụ thể. Giáo viên đồng giảng có thể cho học sinh học lại bao nhiêu lần tùy thích bằng cách lặp lại quy trình học theo kịch bản đã có. Học sinh có thể ôn bài hoặc học lại khi truy cập vào kho tài nguyên số của chương trình.
Theo đánh giá của các chuyên gia thẩm định, mấu chốt của mô hình là việc tối ưu hóa được nguồn lực tại chỗ, đặc biệt là giáo viên đồng giảng tại địa phương, chủ yếu là các giáo viên chủ nhiệm tiểu học.
Ông Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng ULIS, Trưởng nhóm chuyên gia thẩm định, chia sẻ: “Bài giảng số cũng có nhiều, phần mềm dạy trực tuyến cũng sẵn, nhưng kết hợp những thứ có sẵn để ra được một mô hình hiệu quả thì lại không dễ. iSMART đã làm được điều mà trước đây chúng tôi chưa từng nghĩ sẽ làm được, đó là tối ưu hóa được các nguồn lực tại địa phương bao gồm cả giáo viên và trang thiết bị để đưa vào một mô hình vận hành khá trơn tru”.
Cũng theo ông Tuấn Minh: “Giấy chứng nhận này đi kèm với báo cáo thẩm định dày 150 trang với các phân tích chi tiết các điểm hạn chế cần khắc phục cũng như các khuyến nghị của chuyên gia. Sau khi thực hiện được các khuyến nghị đó, tôi nghĩ mô hình này có thể nhân rộng được”.
iLink nhận được sự quan tâm khá lớn của các địa phương, đại diện một số sở GD-ĐT khẳng định sẽ áp dụng mô hình này vì thấy phù hợp với điều kiện địa phương. Tuy nhiên, một số khác vẫn “lăn tăn” về cơ sở pháp lý để triển khai, nhất là các quy định của địa phương về mức thu học phí với các chương trình liên kết, tăng cường.
Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND H.Mù Cang Chải, địa phương đầu tiên triển khai mô hình này, nói: “Tôi cho rằng, đây là mô hình rất hiệu quả và nếu được triển khai, duy trì thì không những Mù Cang Chải mà nhiều địa phương khác đang khó khăn về giáo viên tiếng Anh trước yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng được hỗ trợ rất tốt”.
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch Tổ chức giáo dục EQuest, người phụ trách phát triển và triển khai mô hình iLink , cho biết mô hình này sử dụng bài giảng số iSMART đã được sở GD-ĐT của 20 tỉnh thẩm định và triển khai từ hơn 10 năm qua tại hơn 400 trường học trên cả nước.
Tiếp thu các đánh giá và khuyến nghị của chuyên gia, ý kiến còn băn khoăn của đại diện ngành GD-ĐT các địa phương, ông Bạch Ngọc Chiến cam kết tiếp tục tinh chỉnh mô hình này để có thể phát huy hiệu quả cao nhất.
“Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là tạo cho tất cả các em học sinh tiểu học được tiếp cận phương pháp học tiếng Anh hiện đại và hiệu quả với chi phí thấp. Thực tiễn dạy và học vừa qua tại Mù Cang Chải và Nam Trực đã cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng”, ông Chiến chia sẻ.
Như Thanh Niên đã thông tin về tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh tiểu học trầm trọng trên cả nước, đặc biệt từ năm 2022, theo quy định của Bộ GD-ĐT, 63 tỉnh, thành đồng loạt thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn tiếng Anh từ tự chọn trở thành bắt buộc với học sinh từ lớp 3, thời lượng 4 tiết/tuần. Nhiều địa phương gần như “trắng” giáo viên tiếng Anh, dù được giao biên chế hoặc hợp đồng nhưng không thể tuyển dụng do không có nguồn tuyển.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, để dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 3 năm học 2022 – 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 giáo viên và 2.061 giáo viên.
Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 giáo viên, việc thiếu cục bộ xảy ra ở nhiều tỉnh (Yên Bái hiện thiếu 148 giáo viên, Tây Ninh thiếu 105 giáo viên, Lai Châu thiếu 164 giáo viên, Bình Phước thiếu 204 giáo viên, Hà Giang thiếu gần 300 giáo viên…).
H.Mù Cang Chải có 16 trường tiểu học với 9.235 học sinh nhưng năm học vừa qua chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh và đã nhận được sự hỗ trợ miễn phí của dự án CSR của iSMART dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (mô hình iLink).
Giáo viên chính tại Hà Nội dạy trực tuyến qua ứng dụng Zoom tới 117 điểm cầu trên khắp H.Mù Cang Chải. Tại các lớp học trên địa bàn H.Mù Cang Chải, các trợ giảng là giáo viên địa phương sẽ hướng dẫn học sinh học với thao tác duy nhất là bấm nút.