LO NGẠI TÂM LÝ CHỦ QUAN
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cho hay đáng lo ngại là tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng thi cử là công việc nhiều năm đã làm nên chủ quan từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình. Thêm nữa là tình hình thời tiết cực đoan, khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu điện… cần phải có phương án dự phòng.
“Nhiều tình huống bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cần lường trước để không bị động”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Kỳ thi tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với trên 1 triệu thí sinh (TS) đăng ký dự thi, khoảng 250.000 người tham gia tổ chức thi ở các vùng miền địa hình khác nhau, nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn hết sức khó khăn, cần phải có kế hoạch, giải pháp.
Ông Thưởng cũng nhấn mạnh: “Cần bảo đảm các yếu tố nghiêm túc, công bằng, khách quan, an toàn, đúng quy chế”. Qua đó, ông yêu cầu không cán bộ, nhân viên nào tham gia tổ chức thi mà chưa được tập huấn. Tùy đối tượng, tùy từng phạm vi, có tổ chức kiểm tra sau tập huấn.
BÀI HỌC TỪ IN MỜ ĐỀ THI LỚP 10 Ở HÀ NỘI
Khâu in sao đề thi là một trong những nội dung Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh với các địa phương trong kỳ thi sắp tới. Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đề nghị: “Địa phương lưu ý chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác in sao đề thi. Máy móc thiết bị tuyệt đối không có chức năng thu phát và không nối mạng internet, phải được công an kiểm tra niêm phong các cổng kết nối”.
Theo ông Chương, mọi phương tiện, vật tư, thiết bị trong khu vực in sao đề thi dù hư hỏng hay không dùng đến chỉ được đưa ra ngoài khu vực này khi thi xong bài thi/môn thi cuối cùng của bài thi. Trong quá trình in sao cần in sao đúng số lượng được giao. Lưu ý in sao đề thi các bài thi/môn thi ngoại ngữ cho các phòng thi ghép; in sao từng mã đề thi cho mỗi đề thi của mỗi bài thi/môn thi trắc nghiệm. Phải có biện pháp cụ thể để phân biệt bì/túi đề thi của các bài thi/môn thi khác nhau.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cũng chủ động nhắc lại việc một số đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội vừa qua bị in mờ dẫn tới việc có hàng chục TS hiểu nhầm, Sở GD-ĐT phải bổ sung thêm 1 đáp án để đảm bảo quyền lợi cho TS và khẳng định coi đây là bài học trong khâu in sao đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thì nêu vấn đề: Với những địa phương có số lượng TS dự thi đông, số lượng đề thi phải in sao rất lớn như Hà Nội, TP.HCM thì khâu in sao đề thi còn phải lường trước tình huống như: đang phải cách ly tuyệt đối để in sao đề thi mà máy móc trục trặc, cán bộ in sao đề thi không có kỹ năng sửa chữa thì phải xử lý ra sao.
An toàn, an ninh trong khâu in sao đề thi này cũng là một trong những nội dung mà Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh với các địa phương khi kết luận hội nghị. Ông Thưởng cho hay vẫn còn một số tỉnh, thành chưa thực sự chú trọng tới địa điểm tổ chức in sao, có nơi để cán bộ in sao đề thi phải ngủ ở giường bạt, điều kiện ăn ở thiếu tiện nghi ở mức tối thiểu, trong khi cán bộ làm công tác này cần được bảo đảm sức khỏe, thoải mái về tinh thần để làm tốt, bởi chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể gây hậu quả đáng tiếc.
KHÔNG PHÓ THÁC CHO MÁY MÓC
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh nhiều lần yêu cầu khi chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, đó là, dù cơ sở vật chất chuẩn bị tốt, đầy đủ đến đâu, nhưng quyết định, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, từ khâu lựa chọn đến tập huấn, nhắc nhở giám sát…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu: “Năm nào chúng ta cũng lưu ý thận trọng nhưng thực tế cho thấy đôi khi chỉ trang thiết bị chưa tốt sẽ dẫn đến hệ quả. Cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất, nhưng cũng không phó thác hoàn toàn cho trang thiết bị, sự kiểm tra của con người, yếu tố con người thận trọng cũng là rất cần thiết. Ưu tiên thiết bị, con người quan tâm phối hợp – các điều đó mới đảm bảo được các khâu yên tâm, an toàn”.
Ông Sơn cũng lưu ý các nội dung về tập huấn cho cán bộ coi thi, lực lượng phối hợp, hướng dẫn cho TS. Các công việc như in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bảo quản, vận chuyển, giao nộp bài thi, mong tỉnh/thành lên nhiều phương án, đề phòng trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai, đặc biệt thời điểm thời tiết cực đoan như đầu hè này.
Phòng ngừa tình huống mất điện, cháy nổ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lưu ý: lãnh đạo các tỉnh/thành cần làm việc với bên cung cấp điện, trong thời gian diễn ra kỳ thi, đặc biệt là khu vực in sao đề thi, chấm thi cần ưu tiên không cắt điện. Những nơi in sao đề thi, làm phách, chấm thi phải đảm bảo điều kiện về điện, trong trường hợp bất khả kháng phải có phương án dự phòng, máy nổ đủ công suất, khi mất điện có thể bật máy nổ hoạt động ngay. Bên cạnh đó cần hết sức quan tâm tới công tác phòng chống cháy nổ, nhất là ở khu vực in sao đề thi, chấm thi.
Bộ GD-ĐT đảm bảo quyền lợi của TS dùng chứng chỉ ngoại ngữ trong miễn thi
Theo Bộ GD-ĐT, cả nước có tới 46.670 TS đăng ký miễn thi ngoại ngữ (năm 2022 là khoảng 35.000 TS). Khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là kỳ thi diễn ra thì TS hoang mang khi Bộ GD-ĐT có văn bản gửi các sở GD-ĐT về xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài để miễn thi bài thi môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Theo văn bản trên, các chứng chỉ hợp pháp gồm: Thứ nhất, chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại VN trước ngày 10.9.2022 (đây là thời điểm Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 11/2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có hiệu lực thi hành). Thứ hai, chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại các địa điểm thi ghi trong quyết định của Bộ GD-ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài tại VN sau ngày phê duyệt. Danh sách cơ sở được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ được công bố. Thứ ba, chứng chỉ cấp cho người dự thi theo hình thức Home edition trước ngày 10.9.2022.
Không ít trường THPT ở Hà Nội và TP.HCM tỏ ra rất lo lắng bởi TS chỉ biết dự thi và nhận được chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ chứ không thể biết được thời điểm và địa điểm dự thi có hợp lệ hay không. Nhiều ý kiến cho rằng nếu những chứng chỉ được cấp sau ngày 10.9.2022 không được coi là hợp lệ thì sẽ đẩy TS vào tình cảnh quá bất lợi cả về tâm lý lẫn kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa kỳ thi sẽ diễn ra. Các em không cách nào xoay xở để có thể thi tốt được môn này.
Chiều 15.6, Cục Quản lý chất lượng đã ra văn bản khẳng định: “Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn bổ sung: TS đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thi và cấp sau ngày 10.9.2022 để xét miễn bài thi chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định”.