Gần đây, trên một số sàn giao dịch bất động sản trực tuyến xuất hiện khá nhiều thông tin cắt lỗ dự án tháng Ngâu.
Đơn cử, một “chủ đất” tại phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình rao bán lô đất mặt tiền 10m bám mặt đường Quốc lộ 6, với mức giá 15 triệu đồng/m2.
Theo “chủ đất” này, trước đó, vào năm ngoái, các lô đất này có giá từ 25 – 30 triệu đồng/m2. Thế nhưng, do thị trường trầm lắng, nhu cầu đầu tư thấp, nên chấp nhận giảm 50% để thoát hàng ngay trong tháng Ngâu.
Tương tự, một “chủ đất” khác cũng rao bán lô góc, đất dịch vụ với diện tích khoảng 70m2 tại xã An Thượng, Hoài Đức (Hà Nội). Chủ đất cho biết, đầu năm 2023, đất ở khu vực này có giá trên dưới 90 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, do cần tiền gấp, nên chủ đất chấp nhận “thanh lý” trong tháng Ngâu với mức giá “rẻ bất ngờ”, chỉ 78 triệu đồng/m2, tức là mức giảm khoảng 13%.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Đỗ Thế Anh, đại diện một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội chia sẻ: Cách đây khoảng 5 năm, quả thật, tháng 7 âm lịch, hay còn gọi là tháng Ngâu, tháng cô hồn thường có ít giao dịch mua bán bất động sản.
Bởi, theo quan niệm, tháng 7 âm lịch được coi là tháng không may mắn, nhiều người thường kiêng kỵ không mua sắm các mặt hàng đắt tiền như ô tô hay đất đai.
Tuy nhiên, vài năm gần đây mọi thứ đã thay đổi, do nhiều chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để kích cầu thị trường, ví dụ như tăng chiết khấu, tăng lãi suất, hoặc tặng quà, tặng nội thất,…
“Vì vậy, tâm lý ngại mua đất, mua nhà trong tháng Ngâu gần như thay đổi. Nhiều người thậm chí còn chờ tới tháng này mới quyết định có nên mua hay không”, ông Thế Anh nói.
Dù vậy, ông Thế Anh cho rằng, riêng trong năm 2023, nhất là giai đoạn đầu năm, sức thanh khoản của thị trường ở mức rất thấp, nên thị trường gần như chạm “đáy”. Vì vậy, ngay từ thời điểm đầu năm, nhiều khu vực trước đây tăng trưởng “nóng” đã có sự điều chỉnh về giá.
“Ví dụ như Lương Sơn (Hòa Bình), Hòa Lạc, Quốc Oai (Hà Nội), trong giai đoạn 2021 – 2022, giá đất tăng rất mạnh. Thế nên, khi thị trường bất động sản giảm nhiệt, giá đất đã có sự điều chỉnh giảm giá. Do đó, thông tin những lô đất ở các khu vực này giảm giá trong tháng Ngâu chỉ là chiêu trò của môi giới”, ông Thế Anh nói.
Ông Thế Anh cũng tiết lộ, cũng có trường hợp các môi giới đẩy giá lên cao, rồi sau đó “cắt lãi” một chút trong tháng này, tạo tâm lý giá nhà giảm trong tháng Ngâu, để chứng minh khách mua được lợi mấy trăm triệu đồng.
Thậm chí, có trường hợp môi giới ráo bán “cắt lỗ” đất trong tháng Ngâu, nhưng thực chất là “treo đầu dê bán thịt chó”, rao bán một đằng, nhưng lô đất lại một nẻo. Họ rao “khống” rồi thông báo với khách hàng là rao nhầm giá.
“Trong giai đoạn thị trường giảm nhiệt như hiện nay, cũng có trường hợp giá đất giảm, nhưng cùng lắm là giảm trên dưới 5%, không có chuyện giảm trên 15%, hoặc 50% trong tháng Ngâu. Do đó, người mua nhà, nhà đầu tư nên tỉnh táo trước các thông tin thế này”, ông Thế Anh khuyến cáo.