Ngày 12.10, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã yêu cầu các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người bệnh, thân nhân người bệnh và các nhân viên y tế về các quy định của pháp luật và tư vấn, hướng dẫn các thủ tục cho thân nhân người bệnh khi có nhu cầu, nguyện vọng hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể. Đồng thời thu thập thông tin người bệnh có nhu cầu được ghép tạng để có kế hoạch điều trị kịp thời, hiệu quả; tuân thủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật và các hoạt động liên quan đến mô, tế bào gốc cần thực hiện theo quy định.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các bệnh viện trên địa bàn thành phố có hoạt động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, lồng ghép trong hoạt động đánh giá chất lượng bệnh viện hằng năm.
Sở kiên quyết lên án các hành vi mua bán có liên quan đến mô, bộ phận cơ thể người; kêu gọi mọi người dân thành phố chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tuyên truyền đến người thân, gia đình có nhu cầu hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín của thành phố để được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục pháp lý. Đồng thời cùng lên án, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật đến các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mãn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc… Sau ghép mô, tạng, người bệnh sẽ cải thiện sức khỏe, từ đó có thể trở lại làm việc và sinh hoạt trong cuộc sống.
Cùng với sự phát triển của nền y học thế giới và Việt Nam, tại TP.HCM trong thời gian qua đã có một số bệnh viện tuyến cuối đủ điều kiện triển khai thực hiện các kỹ thuật liên quan đến lấy, ghép mô, tạng và đạt được nhiều thành công như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Xuyên Á.